Nặng chữ “tình” nên phạm tội

Thành khẩn, ăn năn hối hận
Nặng chữ “tình” nên phạm tội

Phúc thẩm vụ Dương Tự Trọng “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”

Ngày 22-5, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” do Dương Tự Trọng (em trai của Dương Chí Dũng) cầm đầu. Khác với phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng cùng nhiều bị cáo kháng án đã có thái độ thành khẩn và ăn năn hối hận. Đây là một trong những tình tiết quan trọng để đại diện Viện KSND tối cao trong phần luận tội đã đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo.

Thành khẩn, ăn năn hối hận

Theo tóm tắt bản án tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào đầu tháng 1-2014, HĐXX của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án này gồm: Dương Tự Trọng (SN 1961, nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn (SN 1966, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng) 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng (SN 1970, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng) 5 năm tù; Đồng Xuân Phong (SN 1974, nguyên cán bộ Cục Hải quan TP Hải Phòng) 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, SN 1968, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng) 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn (SN 1961, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) 5 năm tù. Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, chỉ có bị cáo Hoàng Văn Thắng không kháng cáo, 6 bị cáo còn lại đều kháng cáo. Đáng chú ý, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng đã không nhận tội.

Trong phiên phúc thẩm, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn lần lượt các bị cáo Vũ Tiến Sơn, Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong, Nguyễn Trọng Ánh, Phạm Minh Tuấn và Dương Tự Trọng. Trước vành móng ngựa, hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn và hối hận trước hành vi phạm tội của mình.

Là bị cáo đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Sơn đã bật khóc khi thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn sớm được hưởng khoan hồng. Sơn cũng cho rằng, sở dĩ phạm tội là do đã đi quá xa trong chuyện tình cảm nên mắc sai lầm. “Tôi coi anh Dũng như anh ruột nên việc gì tôi cũng giúp... Việc phạm tội của tôi là do thực hiện bổn phận mà Trọng đã nhờ” - Sơn nói. Còn Dũng “Bắc Kạn” cũng thành khẩn xin được giảm nhẹ hình phạt khi cho rằng mình phạm tội chỉ vì tình cảm anh em quan hệ lâu năm với Dũng và Trọng. Bị cáo Phong cũng thừa nhận tội của mình nhưng lý giải chỉ vì tình cảm anh em với Trọng mà phạm tội. Trong khi đó, bị cáo Ánh cho rằng tại thời điểm đưa Dương Chí Dũng đi trốn hoàn toàn không biết Dũng phạm tội, nên sự việc xảy ra là ngoài ý muốn của bị cáo.  

Được xem là người chủ mưu cầm đầu vụ án, bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa phúc thẩm đã rơi nước mắt khi biết cha của Vũ Tiến Sơn mới mất. Bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và nhận trách nhiệm là người chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội. “Sự việc xảy ra đối với gia đình con cái chúng tôi là một cú sốc. Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm về việc mình làm” - bị cáo Trọng nói. Tuy nhiên, bị cáo Trọng cũng bác bỏ cáo buộc tổ chức trốn đi nước ngoài tinh vi vì thực tế việc đi sang Campuchia là rất dễ dàng. Hơn nữa, theo bị cáo Trọng thì Dũng là người hoàn toàn quyết định việc đi ra nước ngoài, còn việc sử dụng nhiều số điện thoại là do thói quen nghiệp vụ của hình sự. Vì thế, bị cáo Trọng đã xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án này.

Trong khi đó, Dương Chí Dũng được đưa tới tòa với tư cách là nhân chứng cho biết, việc mình bỏ trốn và trốn ra nước ngoài đều do bản thân Dũng quyết định, còn Trọng chỉ giúp đỡ về việc đi lại. “Việc trốn đi nước ngoài đó là sai lầm của tôi, khiến nhiều người anh em bị ảnh hưởng, không mang lại điều gì, điều này khiến tôi rất khổ tâm…” - Dương Chí Dũng chia sẻ.

Nhiều bị cáo được đề nghị giảm án

Trước thái độ thành khẩn của nhiều bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao trong bản luận tội đã đề nghị HĐXX xem xét giảm án đối với Dương Tự Trọng và một số bị cáo. Bản luận tội nêu rõ, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức do Dương Tự Trọng là người chủ mưu cầm đầu. Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng. Các hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Đồng thời cản trở gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines” mà Dương Chí Dũng là bị can chính trong vụ án.

Đại diện Viện KSND tối cao cũng khẳng định, bản án sơ thẩm đã quy kết các bị cáo theo khoản 3 Điều 275 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội. Dương Tự Trọng là đối tượng cầm đầu, chủ mưu là cán bộ cao cấp trong ngành công an không giữ vững lập trường để tình cảm riêng chi phối. Trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng đã thành khẩn khai báo nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt như bị cáo đã kháng cáo. Đối với bị cáo Vũ Tiến Sơn giữ vai trò quan trọng thứ 2 nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai nhận và bản thân có nhiều thành tích trong công việc, việc làm của Sơn chỉ vì nể nang không vụ lợi. Bị cáo Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng có các tình tiết giảm nhẹ, hình phạt mà cấp sơ thẩm tuyên án là cao cần giảm nhẹ một phần bản án cho 2 bị cáo. Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh tại tòa đã khai báo thành khẩn nên cần giảm nhẹ một phần bản án cho bị cáo Ánh. Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn không xem xét giảm nhẹ hình phạt mà án sơ thẩm đã tuyên vì bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội và không oan.

Theo kế hoạch, hôm nay 23-5, phiên tòa phúc thẩm sẽ tuyên án.

Trong lời nói cuối cùng tại tòa trước khi HĐXX nghị án và tuyên án, bị cáo Dương Tự Trọng bật khóc khi đề đạt xin cho anh trai mình là Dương Chí Dũng, cùng Mai Văn Phúc thoát án tử hình và xin giảm án cho các bị cáo khác.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục