Nâng chuẩn đầu vào đại học

Về tuyển sinh năm 2020, Bộ GD-ĐT cho rằng phải chấm dứt tình trạng một số tổ hợp đào tạo không phù hợp, điểm đầu vào của một số ngành thấp; các trường được tự chủ nhưng không hạ thấp chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo…

Không thả nổi đầu vào  

Phát biểu tại hội nghị công tác tuyển sinh năm 2020 mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tuyển sinh năm 2020 phải khắc phục những tồn tại của tuyển sinh năm 2019 như: một số trường công bố mã ngành tuyển sinh chưa phù hợp, gây bức xúc xã hội; điểm đầu vào của một số ngành đào tạo còn thấp...

Năm 2020, phải nâng chuẩn đầu vào, các mã ngành đào tạo phải có sơ sở khoa học và thực tiễn, nếu đưa ra nhiều ngành đào tạo mới mà không gắn với nhu cầu thị trường thì không được đào tạo. Dù tự chủ tuyển sinh, nhưng việc xét tuyển vẫn sẽ có kết hợp với kết quả kỳ thi THPT quốc gia, do đó các trường cần có phương án xét tuyển phù hợp với các mã ngành đào tạo. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và nhà trường phổ thông để nâng cao chất lượng tuyển sinh.

Điểm mới nhất trong tuyển sinh năm 2020 đối với chương trình chất lượng cao (CLC) là Bộ GD-ĐT huy động 20 chuyên gia để nghiên cứu, bổ sung các điều kiện đầu vào, khắc phục những hạn chế ở năm 2019. Trong đó, đáng lưu ý là quy định điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) chương trình CLC phải bằng hoặc cao hơn chương trình đại trà.

Tuy nhiên, đại diện một số trường ĐH cho rằng chưa hợp lý. Hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã có công văn đề nghị sửa “điểm trúng tuyển” thành “ngưỡng đảm bảo chất lượng” đối với chương trình CLC.

“Điểm trúng tuyển phụ thuộc vào số lượng hồ sơ đăng ký, đồng thời chương trình này có chỉ tiêu riêng, phương thức xét tuyển riêng nên điểm trúng tuyển khác nhau. Do đó, nếu quy định điểm trúng tuyển chương trình CLC như Bộ GD-ĐT quy định thì sẽ khó khăn”, lãnh đạo một trường ĐH băn khoăn.

Nâng chuẩn đầu vào đại học ảnh 1 Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM trong giờ học thực hành

Phân tích thêm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhấn mạnh các chương trình CLC thực chất là chương trình dịch vụ chất lượng cao. Nó có điều kiện, phương pháp tuyển sinh khác, đặc biệt là học phí cao hơn nhiều. Quy luật tuyển sinh là số lượng thí sinh đăng ký nhiều thì điểm trúng tuyển cao, đăng ký ít thì điểm trúng tuyển thấp.

Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), phân tích: “Các trường quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là đúng, nhưng những trường khác có ngưỡng thấp hơn thì sao. Khi Kiểm toán Nhà nước vào hỏi tại sao chương trình CLC có học phí cao nhưng đầu vào thấp hơn chương trình thường, thì chúng ta nói ra sao?”. 

Tự chủ gắn với trách nhiệm 

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, kết quả tuyển sinh 2019 chỉ khoảng 64% thí sinh trúng tuyển nhập học. Một số ngành tuyển sinh khó khăn do không có sự hấp dẫn với xã hội, như nông lâm thủy sản, khoa học tự nhiên, môi trường, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống… Do đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm của Nhà nước, ví dụ như có chính sách đặt hàng đào tạo.

Về tuyển sinh 2020, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2020 với việc nâng chuẩn giáo viên nên không giao chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trừ giáo dục mầm non. Đối với các ngành đào tạo trình độ ĐH mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới; bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực du lịch và công nghệ thông tin tại các trường có khóa tuyển sinh ĐH thứ 2 trở đi. 

Cũng theo quy định mới, việc xác định chỉ tiêu đối với giáo viên thỉnh giảng phải là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên, hoặc tốt nghiệp ĐH cùng ngành và có 3 - 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Tổng số giáo viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giáo viên cơ hữu. Những năm trước, giáo viên thỉnh giảng không yêu cầu những điều kiện khắt khe này.

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2020 cũng quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...). Tuy nhiên, việc tự chủ tuyển sinh này phải phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ 1-7-2020) và Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ 1-7-2019), đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.

Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Điểm mới là Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của 2 khối ngành này.

Quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ ĐH.

Tin cùng chuyên mục