Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm còn yếu

Đó là thực tế nội lực của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm nước ta mà Hiệp hội Chế biến lương thực, thực phẩm TPHCM vừa công bố. Theo bà Lý Kim Chi, chủ tịch hiệp hội, nguyên nhân là do doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động rất phân tán, năng lực tài chính yếu, điều kiện vệ sinh kém, chất lượng đầu vào thấp, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chưa rõ ràng. Đặc biệt, giữa doanh nghiệp sản xuất và vùng nguyên liệu thiếu liên kết, bị chia cắt.

(SGGP).- Đó là thực tế nội lực của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm nước ta mà Hiệp hội Chế biến lương thực, thực phẩm TPHCM vừa công bố. Theo bà Lý Kim Chi, chủ tịch hiệp hội, nguyên nhân là do doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động rất phân tán, năng lực tài chính yếu, điều kiện vệ sinh kém, chất lượng đầu vào thấp, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chưa rõ ràng. Đặc biệt, giữa doanh nghiệp sản xuất và vùng nguyên liệu thiếu liên kết, bị chia cắt.

Đơn cử như trong lĩnh vực thủy sản, tuy là ngành có độ ổn định cao nhất về tốc độ phát triển cơ sở chế biến, nuôi trồng nhưng giữa nơi nuôi và nơi chế biến lại rời rạc. Hay trong lĩnh vực chăn nuôi, các vùng miền núi, trung du phía Bắc, chăn nuôi nhiều nhưng lại ít cơ sở chế biến. Về phía cơ quan chức năng, trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành không rõ ràng làm cho quá trình lưu thông sản phẩm trở nên phức tạp và tốn kém. Những chính sách có tính chất định hướng cho phát triển của ngành còn chung chung, đặc biệt là đầu vào vẫn chưa xác định cụ thể tập trung phát triển con gì, cây gì. Vai trò nhà nước qua cơ chế, chính sách thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến, phân phối chưa thực sự rõ nét. Riêng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành chưa hoàn thiện. Đây cũng là lý do mà theo công bố gần đây nhất của Viện Phát triển doanh nghiệp, hiện nước ta đang có khoảng 3.500 doanh nghiệp kinh doanh trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhưng cũng chủ yếu là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Để đẩy mạnh phát triển ngành lương thực thực phẩm, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy hải sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới đang tăng nhanh. Theo Tổ chức Nông Lương thế giới, sự gia tăng dân số cùng với sự tăng trưởng kinh tế thế giới làm số người thuộc tầng lớp thu nhập trung bình tăng lên nhanh cả ở nước phát triển và thị trường mới nổi, làm tăng mức tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, nhất là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Về cơ cấu sản phẩm nhập khẩu, các thị trường lớn sẽ tăng cơ cấu nhập khẩu sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm có giá trị gia tăng. Và đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam - vốn là khu vực đang có lợi thế vì chi phí nhân công không cao, trình độ chế biến nông lâm thủy sản đang được cải tiến nhanh phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Hơn nữa, nước ta đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nhờ được ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan và các lợi ích về đối xử công bằng, bình đẳng hơn khi xảy ra tranh chấp thương mại. Sản phẩm nông lâm thủy sản càng được tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu. Trong thời gian tới, bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng lên cao khoảng 20% so với hiện tại. Đồng thời, kết hợp nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm; áp dụng đồng bộ các giải pháp để đến năm 2020 giảm mức tổn thất sau thu hoạch xuống còn 50% so với hiện nay. Cuối cùng là nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục