Nâng tầm hạt gạo

Từ một nước thiếu lương thực, nhưng sau thời gian đột phá đến những năm từ 2005 - 2008 sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 4,5 triệu tấn/năm; giai đoạn từ năm 2009 - 2011 xuất khẩu gạo mỗi năm đạt khoảng 7 triệu tấn, giá trị thu về khoảng 3,5 tỷ USD.

Từ một nước thiếu lương thực, nhưng sau thời gian đột phá đến những năm từ 2005 - 2008 sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 4,5 triệu tấn/năm; giai đoạn từ năm 2009 - 2011 xuất khẩu gạo mỗi năm đạt khoảng 7 triệu tấn, giá trị thu về khoảng 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, gần đây xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thương trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, số lượng dù có tăng nhưng giá trị mang về lại giảm. Cụ thể, năm 2012, sản lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 7,7 triệu tấn (tăng 8,3% so năm 2011) nhưng giá trị có 3,45 tỷ USD (giảm gần 2%); năm 2013 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được 6,7 triệu tấn, giá trị tiếp tục giảm còn 2,89 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo được hơn 5,8 triệu tấn, giá trị hơn 2,56 tỷ USD. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng vấn đề cơ bản là hạt gạo của Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng thấp (khoảng 70% sản lượng xuất khẩu là gạo phẩm cấp thấp loại 25% tấm) nên khó tiếp cận được các phân khúc thị trường cấp cao; trong khi phân khúc thị trường cấp trung và cấp thấp thì có nhiều quốc gia cùng cạnh tranh dẫn tới giá trị và lợi nhuận giảm là chuyện hiển nhiên.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho rằng: “Gạo Việt Nam số lượng nhiều nhưng chất lượng lại thấp, giá thành cao dẫn tới hình ảnh xuất khẩu thấp, từ đó chưa hấp dẫn các nhà nhập khẩu và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lúa gạo”. Nhận định này là không sai bởi lâu nay việc phát triển lúa gạo ở nhiều địa phương phần lớn vẫn chú trọng về số lượng hơn là chất lượng. Xét về diện tích sản xuất, đến thời điểm này vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ; việc tổ chức lại theo hình thức mới phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác… dù có nỗ lực làm nhưng còn hạn chế, yếu kém.

Chỉ tính riêng ở An Giang (địa phương sản xuất lúa gạo trọng điểm ở ĐBSCL) mức tích tụ ruộng đất cho thấy số hộ có diện tích canh tác từ 3ha trở lên chỉ vỏn vẹn 4.790 hộ (chiếm có 1,45% trên tổng số hộ nông nghiệp); trong khi số hộ canh tác dưới 0,5ha chiếm tới 47,84% và số hộ canh tác dưới 1ha chiếm đa số còn lại. Do sản xuất nhỏ nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới trên đồng ruộng, thực hiện công nghệ sau thu hoạch gặp nhiều trở ngại. Vấn đề sử dụng nhiều loại giống lúa cho sản xuất rất phổ biến, trong khi tỷ lệ dùng giống lúa cấp xác nhận dù có cải thiện nhưng còn thấp chỉ chiếm khoảng 35%, khiến chất lượng hạt lúa chưa đảm bảo. Khi đi thực tế nhiều nơi ở ĐBSCL thấy rằng, điểm nổi bật của chuỗi giá trị lúa gạo có nhiều nhân tố trung gian tham gia cả công đoạn cung ứng đầu vào (vật tư, giống…), dịch vụ sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch… dẫn tới giá thành sản xuất tăng cao. Mặt khác, có tới 93% lượng lúa do nông dân bán cho thương lái; sau đó các doanh nghiệp thu mua gạo qua lực lượng thương lái nên không thể kiểm soát được chất lượng giống đầu vào, tình trạng đấu trộn giống lúa cũng khá phổ biến. Đây là nguyên nhân làm cho chất lượng gạo không đảm bảo.

Việt Nam là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng tại sao nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa vẫn còn nghèo, đời sống còn khó khăn. Đây thật sự là câu hỏi ray rứt tồn tại nhiều năm qua. Đã đến lúc nâng tầm cho hạt gạo, nâng giá trị lúa gạo cao hơn; chú trọng đầu tư vào chất lượng để tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường tiêu thụ gạo những năm tới có triển vọng, nhưng gặp không ít khó khăn bởi áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo. Sự cạnh tranh không chỉ ở phân khúc thị trường gạo cấp trung, cấp thấp, mà phân khúc gạo cấp cao cũng sẽ quyết liệt. Do đó vấn đề đặt ra lúc này là nâng cao chất lượng hạt gạo, tính toán việc sản xuất với giá thành hợp lý, từng dòng sản phẩm phải đáp ứng phù hợp cho từng thị trường tiêu thụ khác nhau.

Một trong những vấn đề quan trọng mang tính đột phá là phải thay đổi tư duy tiếp cận thị trường. Nếu như lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quen mua “gạo” từ thương lái, thì tới đây sẽ chuyển sang phương thức tiếp cận mới là mua “lúa”. Chỉ có mua lúa mới có thể kiểm soát được chất lượng đầu vào, đảm bảo cho chế biến xuất khẩu. Thực hiện việc này, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng “cánh đồng lớn”, đây được xem là mô hình bền vững cho lúa gạo Việt Nam. Có nhiều cách để doanh nghiệp và nông dân cùng hợp tác linh hoạt như: hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa có đầu tư giống và vật tư nông nghiệp; hợp đồng chỉ đầu tư giống hoặc vật tư nông nghiệp; hợp đồng tiêu thụ lúa nhưng không đầu tư…

Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, hiện Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã và đang hợp tác chiến lược cùng các công ty, doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp để cung ứng giống, vật tư cho nông dân khi tham gia mô hình “cánh đồng lớn”. Hợp tác cùng các viện, trường… phục tráng những giống lúa thơm, lúa nếp có triển vọng để cung ứng cho nông dân sản xuất. Song song đó, xây dựng chuỗi liên kết với lực lượng thương lái, các chủ lò sấy, nhà máy xay xát chế biến lúa gạo, chủ phương tiện vận chuyển… nhằm phát triển đồng bộ mô hình “cánh đồng lớn” từ sản xuất đến xuất khẩu một cách chặt chẽ, theo hướng giảm giá thành - tăng chất lượng, để nâng cao giá trị lúa gạo. Sự liên kết này có sự hỗ trợ tích cực về tín dụng của các ngân hàng.

Một khi các doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường; sau đó doanh nghiệp thu mua lúa sẽ kiểm soát được chất lượng đầu vào và dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Cách làm này sẽ xóa được thực trạng đấu trộn nhiều loại gạo như lâu nay; đồng thời là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng giá trị cho hạt gạo Việt Nam…

HUỲNH THẾ NĂNG
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam

Tin cùng chuyên mục