Gần đây, nhiều giáo viên ở TPHCM rục rịch đi học, luyện thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để được xếp hạng chức danh nghề nghiệp, đảm bảo mức lương hiện hành. Thế nhưng, cảm thấy học ngoại ngữ quá khó, nhiều giáo viên chấp nhận mua bằng, lấy chứng chỉ giả…
Một tiết dạy học của giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1. Ảnh: KHÁNH BÌNH
Ngao ngán và bất lực
Do hiểu không đến nơi đến chốn, một số giáo viên tiểu học, THCS ở quận 12, Gò Vấp, Tân Phú… “ngậm bồ hòn” vì mất tiền chạy chứng chỉ tiếng Anh B, C với giá 1 đến 2 triệu đồng/người nhưng không được chấp nhận. Một giáo viên trường THCS ở Gò Vấp cho biết: “Vừa đóng tiền cho một trung tâm ngoại ngữ để lấy bằng C Anh văn xong thì chúng tôi được nhà trường thông báo chỉ nhận chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Thế là rất nhiều đồng nghiệp trong trường cùng dính bẫy lừa…”.
Kể từ khi có quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phân hạng giáo viên, nhiều trường học đã yêu cầu, khuyến cáo giáo viên phải tự học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ (tương đương các bậc lương). Trước yêu cầu này, nhiều giáo viên cũng tìm cách học, ôn luyện và thi chứng chỉ B1 (quy định đối với giáo viên hạng 1) hoặc A2 (đối với giáo viên hạng 2). Tuy nhiên, chỉ số ít giáo viên trẻ có năng lực mới đầu tư, thực học để lấy chứng chỉ thật. Còn lại phần đông đều cho rằng đòi hỏi nâng cao chuẩn trình độ tiếng Anh đối với giáo viên dạy tiếng Anh đã khó, nói gì đến giáo viên dạy bộ môn thông thường. Và nhắc đến việc phải lấy chứng chỉ tiếng Anh, tin học theo chuẩn yêu cầu, ai nấy đều ngao ngán, thậm chí tỏ ra bất lực. Nhiều giáo viên bậc tiểu học, THCS dù dạy giỏi cũng chỉ có thể bổ sung bằng cử nhân sư phạm chứ không thể lấy chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn quy định để được nâng hạng giáo viên cao hơn.
Để hướng tới tiêu chuẩn chung, trong mùa hè này, nhiều trường học ở TPHCM đã “mở cửa”, tạo điều kiện cho giáo viên học tiếng Anh, nâng cao trình độ ngoại ngữ tại trường. Thế nhưng, với mức học phí quá cao so với thu nhập của nhà giáo (hơn 3 triệu đồng cho khóa học 8 tuần) và phải học lâu dài, nhiều giáo viên lắc đầu, bỏ cuộc. Đó là bộc bạch của nhiều giáo viên THCS ở các quận ven của TP. Còn luyện thi, lấy chứng chỉ từ A1 đến C2 thì sao? Giữa học kỳ 2 của năm học 2015-2016, các trường học từ bậc mầm non đến THCS ở quận 6 nhận được thông báo về việc một số trường ĐH mở lớp ôn tập và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh trình độ A2, B1, B2, C1 theo CEFR với mức học phí khác nhau. Cụ thể, trình độ A2 thấp nhất là 8 - 8,5 triệu đồng và cao nhất C1 từ 14 đến 18 triệu đồng. Nhìn vào mức giá thi lấy chứng chỉ tiếng Anh cao ngất, một số giáo viên THCS lắc đầu: “Thời gian ôn tập chỉ vỏn vẹn có 2 ngày, rồi đi thi ngay, lấy gì đảm bảo học viên lấy được chứng chỉ như mong muốn?”.
Thế nhưng, có cầu ắt có cung và hiện có rất nhiều trung tâm ngoại ngữ, cơ sở giáo dục ở TPHCM đang quảng bá rầm rộ việc luyện thi lấy chứng chỉ tiếng Anh từ A2 đến B1 và cam kết “đảm bảo thi đậu 100%, rớt hoàn trả học phí...”. Bao nhiêu giáo viên ở TPHCM đã gật đầu chọn ngõ cụt này để có chứng chỉ như mong muốn?
Có cần nâng chuẩn tiếng Anh cho mọi giáo viên?
Có hiệu lực thi hành từ tháng 11-2015, Thông tư liên tịch số 21 và 22 của Liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên công lập. Theo đó, giáo viên ở mỗi cấp học được phân thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp (bậc THCS và THPT có ba hạng I, II, III và bậc tiểu học có 3 hạng II, III và IV). Ngoài bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm thì phải có các chứng chỉ kèm theo về tin học, ngoại ngữ và việc nâng bậc lương căn cứ vào từng cấp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Theo nhiều giáo viên bậc THCS và THPT, để đạt chuẩn giáo viên hạng I không dễ. Bởi lẽ, đạt chuẩn trình độ chuyên môn thì có thể, nhưng lấy được chứng chỉ B1 thì vô cùng nan giải, nếu không muốn nói là bất khả thi. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phân hạng giáo viên là cần thiết, nhưng phải theo lộ trình bồi dưỡng từng bước, khuyến khích giáo viên tự học là chính. Nếu thúc ép giáo viên theo yêu cầu xếp hạng thì họ sẽ chạy vội, học cho có để hợp thức hóa bằng cấp bằng mọi cách. Không những thế nó còn tạo ra kẽ hở cho dịch vụ chạy bằng cấp, chứng chỉ, nhất là ngoại ngữ, tin học phát triển rầm rộ hơn.
Theo trấn an của Bộ GD-ĐT, tất cả giáo viên đang ở các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng, trong đó bậc lương và việc nâng lương định kỳ sẽ không bị ảnh hưởng. Riêng về các trường hợp giáo viên muốn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (từ hạng đang giữ lên hạng cao hơn) thì phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng muốn thăng. Như thế, giáo viên phải tự học hoặc tham gia bồi dưỡng để có đủ năng lực và trình độ theo các tiêu chuẩn chức danh quy định, đáp ứng được những nhiệm vụ của hạng nghề nghiệp cao hơn. Tuy không được thăng hạng nhưng vẫn đảm bảo được tăng lương theo định kỳ và được hưởng lương vượt khung theo quy định. Như vậy, quyền lợi của giáo viên không bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên không dạy ngoại ngữ thì chỉ cần biết ngoại ngữ đủ để giao tiếp là được. Tương tự, yêu cầu quá cao về chuẩn tin học cũng không cần thiết vì giáo viên bộ môn chỉ cần trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Như thế, không nhất thiết bắt buộc giáo viên phải đi học để lấy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì mới đạt chuẩn để nâng ngạch, xếp lương, xếp hạng. Đó là chưa kể, yêu cầu chuẩn hóa bằng cấp, chứng chỉ nhưng thiếu thực chất, thiếu kiểm tra, giám sát sẽ nảy sinh tình trạng đối phó học giả, thi thật và mua bằng cấp, mua chứng chỉ tràn lan.
Khánh Hà