Căng thẳng giữa các thành viên
Bao trùm hội nghị là bầu không khí căng thẳng giữa các thành viên cũng như tranh cãi về mức đóng góp của các thành viên. Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mô tả NATO đã “chết não”, nói rằng các thành viên liên minh không còn hợp tác trong một loạt vấn đề chính. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdorgan sau đó nói rằng nhà lãnh đạo Pháp nên được kiểm tra sức khỏe về khả năng “chết não”. Pháp đã triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để giải thích về câu nói mà họ cho là có tính chất “lăng mạ”.
Theo AP, trong cuộc họp báo, khi được hỏi về phản ứng với phát biểu của Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng: “Nhà lãnh đạo Pháp đã rất thiếu tôn trọng các thành viên khác của NATO. Đó là một tuyên bố rất, rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng Pháp có tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Họ làm kinh tế không tốt chút nào”.
Cuộc chiến ngôn từ mới giữa Ankara và Paris đã bùng lên sau khi ông Macron và nhiều lãnh đạo châu Âu chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd ở miền Bắc Syria, cho rằng, NATO không thể ủng hộ những hành động như vậy. Ông Erdogan phản bác bằng cách tuyên bố nhà lãnh đạo Pháp không có quyền chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ hay NATO. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ ngăn cản việc NATO triển khai thêm quân và khí tài tới các nước Baltic và Ba Lan nếu NATO không chấp nhận yêu cầu của Ankara, xem nhóm dân quân người Kurd YPG thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tại Bắc Syria là tổ chức khủng bố. Ankara cũng khẳng định NATO không có quyền ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ quan hệ tốt với Nga. Tổng thống Macron cũng đã chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 khi tiếp đón một quan chức của SDF.
Là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson không quên nhắc lại tầm quan trọng của việc NATO phải đoàn kết.
Mức đóng góp
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đụng độ với các thành viên châu Âu của NATO về mức đóng góp ngân sách NATO. Ông đến Anh vào ngày 2-12 và sau đó có các cuộc hội đàm riêng với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Tổng thư ký NATO. Ước tính của NATO trong năm 2019 cho thấy, hiện có 8 quốc gia thành viên đáp ứng mục tiêu mà tất cả các thành viên NATO đã đồng ý: đóng góp cho khối 2% hoặc hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Riêng Mỹ đóng góp 3,4% GDP.
Theo AP, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, từ năm 2016 đến năm cuối năm 2020, các đồng minh châu Âu và Canada đóng góp 130 tỷ USD cho NATO. Đức sẽ chiếm khoảng 20% trong số này trong khi mức đóng góp của Mỹ giảm bớt (trước đây góp khoảng 22%). Tổng cộng khoảng 400 tỷ USD dự kiến sẽ được thêm vào ngân sách NATO vào năm 2024. Theo ông Stoltenberg, Mỹ và Đức mỗi nước sẽ gánh 16% tổng số ngân sách NATO trong tương lai. Các đồng minh châu Âu khác cũng sẽ đóng góp tiền nhiều hơn, ngoài Pháp, đã từ chối.
Các nước NATO cắt giảm chi tiêu khi căng thẳng giảm bớt sau chiến tranh lạnh. Nhưng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimena vào năm 2014 khiến khối này cảnh giác. Các đồng minh sau đó đã đồng ý tạm dừng cắt giảm, tăng mức đóng góp tới 2% GDP mỗi thành viên. Điều quan trọng là không thành viên NATO nào nợ tiền Mỹ, mặc dù Washington chi nhiều cho quốc phòng hơn tất cả các đồng minh khác cộng lại. Nhưng các đồng minh châu Âu và Canada phụ thuộc nhiều vào các thiết bị của Mỹ như máy bay vận tải quân sự lớn và tiếp nhiên liệu trên không và hiệu ứng răn đe của NATO đáng tin cậy hơn khi được Mỹ ủng hộ.