Với quy định hiện hành, mùa tuyển sinh năm nay rất nhiều thí sinh tiếp tục được hưởng chế độ ưu tiên cộng thêm điểm theo khu vực.
Ưu tiên học sinh dân tộc thiểu số góp phần tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển tại vùng sâu, vùng xa
Điểm lại, tất cả các tỉnh, thành phố đều có đối tượng được ưu tiên theo khu vực ở mức độ ít hoặc nhiều. So sánh, đối chiếu với phổ điểm thi và danh sách đậu đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) do các trường công bố mới đây, nhiều thí sinh ở TPHCM có phổ điểm khá cao trên 20 điểm nhưng không có cơ hội đậu vào những trường ĐH có tên tuổi, đều ngậm ngùi, tủi thân. Cả quá trình học tập, phấn đấu để chờ đến ngày bước vào giảng đường ĐH, chỉ cần chênh nhau 0,5 đến 1 điểm cũng dễ vuột mất cơ hội. Vậy mà, nhiều thí sinh dù có phổ điểm thi không cao, trong đó có môn thi chỉ 3 - 4 điểm và tổng điểm chưa chạm ngưỡng sàn cũng dễ dàng đậu vào các trường ĐH có tên tuổi lẫn ngành học đòi hỏi năng lực, kỹ năng cao, vì lẽ họ được ưu tiên đến 3 - 4 điểm. Con số có đến khoảng 70% - 80% thí sinh được hưởng ưu tiên cho thấy nhóm đối tượng này rất lớn và ở đâu cũng nhìn thấy ưu tiên.
Điểm lại chúng ta không thể phủ nhận chính sách ưu tiên cộng điểm theo khu vực của những năm sau giải phóng mang tính lịch sử và nhân văn. Nó đã góp phần tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự chuyển động của cơ chế thị trường, cơ hội việc làm, thu nhập ở các đô thị lớn hấp dẫn hơn nên nhiều sinh viên thuộc các nhóm ưu tiên theo khu vực đã không quay về địa phương làm việc. Nhiều tỉnh thống kê cho thấy chỉ có khoảng 10% sinh viên cử tuyển quay về địa phương sau khi tốt nghiệp.
Theo các chuyên gia giáo dục, thời gian gần đây, khoảng cách điểm thi ĐH, CĐ của các thí sinh đang nhích lại gần nhau hơn, thậm chí thí sinh đạt phổ điểm cao là người thuộc các khu vực được ưu tiên chiếm tỷ lệ khá cao. Thực tế này minh chứng rằng họ không cần hưởng chính sách ưu tiên mà vẫn trúng tuyển ĐH bằng chính năng lực của mình.
Từ những bất hợp lý này, Chính phủ, Bộ GD-ĐT nên xem xét để điều chỉnh lại chính sách ưu tiên tuyển sinh sao cho phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục, tạo sự công bằng trong thực học giữa các thí sinh. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết tâm đổi mới thi cử và đánh giá đúng năng lực người học thông qua kỳ thi THPT quốc gia. Như thế, việc quy đổi khu vực thành điểm số trong kỳ thi mang tính cạnh tranh cao - nhằm lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển hội nhập - có thực sự công bằng?
Việc duy trì chế độ ưu tiên cho những đối tượng chịu thiệt thòi hoặc vùng sâu vùng xa không có điều kiện giáo dục tốt là cần thiết nhưng cần xem xét để điều chỉnh chính sách này cho phù hợp với năng lực người học, trong đó giới hạn một số ngành học chứ nên mở rộng như hiện nay. “Để thu hút cử nhân có học lực giỏi, có năng lực thực thụ về những địa phương thiếu nhân lực thì cần thay đổi chính sách tuyển dụng, đãi ngộ tương xứng, thay vì ưu tiên tuyển sinh, hạ điểm chuẩn như hiện nay”, đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục.
Chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra sản phẩm nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế. Như thế cần chuẩn đầu vào ĐH, CĐ phải đáp ứng yêu cầu để sau khi ra trường, họ có đủ trình độ, kỹ năng, thích ứng với thị trường lao động thế kỷ 21. Thử hỏi, trong xu thế hội nhập quốc tế, ai sẽ sử dụng những sản phẩm giáo dục không đạt chuẩn và điều gì sẽ xảy ra khi chuẩn trình độ, kiến thức, tri thức bị lỗi, chất lượng thấp?
HÀ KHÁNH