Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)
Thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đòi hỏi Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu phải được sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Luật sửa đổi làm sao phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thông quan, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp đòi hỏi Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu phải giảm bớt sự can thiệp của các bộ, ngành, minh bạch điều kiện, quy trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Rối” với xin, phê duyệt
Ông Nguyễn Quốc Toàn, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, cho rằng, điểm mới của luật này là quy định thêm các loại thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ. Nhưng để minh bạch, các đại biểu đề nghị quy định rõ là Chính phủ sẽ quy định chi tiết các loại thuế này, nếu để Bộ Công thương quy định thì dẫn đến sự can thiệp của quá nhiều bộ, ngành trong cùng một luật.
Việc sửa đổi Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu phải thuận tiện cho doanh nghiệp (Ảnh: CAO THĂNG)
Những điểm mới trong luật được tranh cãi nhiều vẫn là các quy định về miễn thuế tại Điều 16 của dự thảo. Cụ thể, khoản 7 quy định miễn thuế đối với “nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”, ông Nguyễn Quốc Toàn cho rằng, nhập khẩu mà không thu được đồng thuế nào thì hại nhiều hơn lợi. “Hơn nữa, việc quản lý hàng gia công hiện nay đã trầy trật lắm rồi, giờ đưa thêm đối tượng hàng nhập để phục vụ sản xuất xuất khẩu thì không thể quản lý nổi”, ông Toàn nói. Ông cũng cảnh báo, quy định này sẽ không kiểm soát được nếu nhập hàng loại A nhưng lại xuất hàng loại B, nhập loại xịn, xuất loại xấu… Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP, lý luận rằng, nếu hàng gia công được miễn thuế mà hàng nhập để sản xuất xuất khẩu chỉ được ưu đãi thời gian 275 ngày như hiện nay thì doanh nghiệp (DN) sẽ tập trung vào gia công, như vậy không tốt cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tại Khoản 9 điều này quy định hàng tạm nhập, tái xuất cũng thuộc đối tượng miễn thuế, ông Toàn cảnh báo trước đây cũng đã từng có lần “quên” tái xuất 9.000 tấn xăng dầu. Mặc dù có quy định hàng tạm nhập, tái xuất phải có bảo lãnh, đặt khoản tiền 5 tỷ đồng đi nữa, nhưng vẫn không ổn nếu số hàng nhập có trị giá nhiều hơn. Quan điểm của ông Hùng lại khác, nếu hàng tạm nhập, tái xuất mà không miễn thuế thì không phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Đối tượng được miễn thuế của dự thảo lần này có bổ sung thêm “giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” (Khoản 12). Ông Toàn cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó cho cơ quan hải quan, vì khó xác định loại nào trong nước chưa sản xuất được. Nếu có ban hành danh mục cây trồng, vật nuôi, phân bón thì cũng do Bộ NN-PTNT ban hành, như vậy, nếu có phát sinh mới, cần giải thích thì phải tốn ít nhất 9 tháng mới được giải thích. Khi đó, ngành hải quan phải gánh chịu sự bức xúc của DN vì cho rằng ngành hải quan làm khó. Cũng trong quy định này có câu DN chỉ được nhập khẩu “theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”, tức DN phải đi xin phê duyệt của cơ quan chuyên ngành, như vậy là phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều đó sẽ đi ngược lại với tiến trình cải cách hành chính của nhà nước.
Nhiều ngành, sẽ tranh giành quyền lợi
Về quy định DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được ưu đãi thời gian nộp thuế, theo ông Nguyễn Trọng Hùng là không công bằng, sẽ làm cho DN trong nước không cạnh tranh được. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cũng đồng tình quan điểm này, nếu DN FDI được ưu đãi thì sẽ dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, vì DN trong nước hầu hết là DN vừa và nhỏ lại không được hưởng ưu đãi.
Thế nhưng, bà Phạm Thị Hải, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) lại cho rằng, nếu không ưu đãi thì không thu hút được đầu tư từ nước ngoài. Đại diện Tổng Công ty Samco cũng đề nghị nên cho DN ưu tiên chậm nộp thuế bằng hình thức bảo lãnh ngân hàng, như vậy sẽ giúp DN không bị ách hàng ở hải quan. Theo ông Huỳnh An Trung, Phó tổng Giám đốc Cholimex, các quy định của luật làm sao phải thuận tiện cho DN, bởi hiện nay DN rất bức xúc về vấn đề thông quan. Ông Huỳnh An Trung còn đề nghị luật quy định thêm thời hạn thông quan để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP cũng đề nghị cần giảm bớt sự can thiệp của các bộ, ngành, nếu không luật ban hành rồi cũng không thực hiện được vì phải chờ đợi văn bản hướng dẫn. Thậm chí, khi có phát sinh vấn đề mới, lại tranh cãi, gửi công văn, chờ giải thích rất phiền hà.
NHI HOÀNG