Nên giãn tiến độ xây mới Bến xe miền Đông

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, dự án xây dựng Bến xe miền Đông mới sẽ phải hoàn thành giai đoạn 1, gồm các hạng mục: nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu và trạm xử lý nước thải để từng bước di dời các hoạt động vận tải từ Bến xe miền Đông hiện hữu ra đây. Tuy nhiên…

 

Thi công Bến xe miền Đông mới Ảnh: THÀNH TRÍ
Thi công Bến xe miền Đông mới Ảnh: THÀNH TRÍ
Ngổn ngang

Có mặt tại công trường xây dựng Bến xe miền Đông mới vào chiều cuối tháng 10-2017, chúng tôi thấy còn nhiều ngổn ngang khi mặt bằng thi công nhiều tuyến đường nội bộ trong bến xe đang “bị” các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên rào lại để thi công các hạng mục của dự án (tuyến metro số 1). Trong phạm vi xây dựng Bến xe miền Đông mới vẫn còn 2 hộ dân chưa di dời cũng khiến tiến độ thi công hệ thống ngầm và san nền của dự án bị chậm lại. Thậm chí, việc thi công này còn gặp khó do người dân và các doanh nghiệp xung quanh bến xe mới vẫn đang dùng một phần đất của bến xe làm… đường đi. Theo kế hoạch của UBND quận 9, các hộ dân và các doanh nghiệp xung quanh Bến xe miền Đông mới sẽ đi lại bằng đường A8 (nằm ngoài bến xe). Tuy nhiên, hiện đường A8 vẫn chưa được triển khai thi công. Chưa hết, nhiều hộ dân trong khu vực bị vướng công trường thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tạm thời không có đường đi nên thường xuyên sử dụng mặt bằng Bến xe miền Đông mới để đi lại. Thi công trong bối cảnh người và phương tiện qua lại liên tục nên các hạng mục đều bị chậm. “Vừa phải đảm bảo an toàn cho người dân vừa triển khai thi công nên tiến độ khó đẩy nhanh được”, một công nhân ở đây chia sẻ. 

Không chỉ ngoài thực địa, tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư một số hạng mục của dự án cũng chưa xong. Theo ông Lê Văn Pha, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư công trình xây dựng Bến xe miền Đông mới, hiện bản vẽ thi công và dự toán của gói thầu số 3 đang chờ công bố kết quả thẩm định. 

Chưa kết nối

Phải đi vòng vèo khá xa, chúng tôi mới vào được công trường thi công Bến xe miền Đông mới. Vướng dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, công trường xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên… đã khiến việc tìm đường vào Bến xe miền Đông mới khó khăn. 
Theo lãnh đạo Samco, thực ra, Bến xe miền Đông mới nằm ngay trung tâm giao thông kết nối giữa TPHCM và các tỉnh lân cận, khu vực ngoại thành TPHCM với khu vực trung tâm thành phố bằng các tuyến đường như xa lộ Hà Nội, đường A8, đường 13 và đường Hoàng Hữu Nam (phường Long Bình, quận 9), đường nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên… nên đi đến Bến xe miền Đông mới sẽ rất thuận tiện. Vấn đề là hầu hết các tuyến giao thông kết nối chưa được triển khai hoặc đang xây dựng. Theo quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến  năm 2025, khu vực Bến xe miền Đông mới và ga Suối Tiên sẽ là đầu mối giao thông lớn của TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Hành khách đi xe khách liên tỉnh tới Bến xe miền Đông mới, nếu muốn vào trung tâm thành phố, sẽ lên tuyến metro số 1 để đến ga Bến Thành. Ngược lại, người dân từ trung tâm thành phố có thể đi metro tới đây để đi các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Thế nhưng, dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch đến năm 2020 mới đưa vào sử dụng. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn đi qua Bến xe miền Đông mới, còn đang thi công, công trình xây dựng cầu vượt trên xa lộ Hà Nội, trước bến xe, cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị…

Đồng bộ mới phát huy hiệu quả
 
Khi Samco bắt đầu triển khai xây dựng Bến xe miền Đông mới, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã lên kế hoạch kết nối một số tuyến xe buýt tới bến xe này để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (thuộc Sở Giao thông Vận tải) đã trình UBND TPHCM phương án tổ chức xe buýt cho Bến xe miền Đông mới. Cụ thể, Bến xe miền Đông mới sẽ được bố trí 11 tuyến xe buýt kết nối tới Bến xe miền Đông cũ, Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, cầu Phú Mỹ… 

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2017 chỉ còn 2 tháng và với việc thi công còn ngổn ngang như trên chắc chắn không thể kịp. Trong khi đó, ông Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - người có nhiều nghiên cứu, đánh giá về tính hiệu quả của các dự án phát triển hạ tầng thành phố nói riêng và dự án phát triển đô thị thành phố nói chung - nhận xét: “Một công trình chỉ phát huy hiệu quả khi được thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ. Đường kết nối tới Bến xe miền Đông mới còn bộn bề như vậy, ngay cả xe buýt, nếu muốn kết nối tới cũng không dễ”. Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định, Bến xe miền Đông hiện hữu đã được kết nối giao thông từ lâu nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi thu hút hành khách. Tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại dai dẳng trong nội thành chứng tỏ một thực tế, vẫn có nhiều người dân “ngại” ra các bến xe liên tỉnh nằm ở ngoại thành. Trong bối cảnh đó, theo ông Hoàng Minh Trí, TPHCM nên có kế hoạch đầu tư đồng bộ đầu mối giao thông ở khu vực Bến xe miền Đông mới. Một khi các dự án kết nối chưa được triển khai hoặc triển khai chậm hơn dự án xây dựng Bến xe miền Đông mới thì nên giãn tiến độ xây dựng bến xe này. Dự án xây dựng Bến xe miền Đông mới trị giá hàng ngàn tỷ đồng hình thành mà không hoạt động được như kỳ vọng do thiếu kết nối, sẽ là một sự lãng phí lớn.

Tin cùng chuyên mục