Nên lập ủy ban giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp

Không cổ phần hóa bằng mọi giá, đồng thời nên lập ủy ban giám sát việc cổ phần hóa do Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội làm nòng cốt. Đó là đề xuất đầy tâm huyết, bên cạnh những phân tích nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua của Giám đốc Trung tâm Tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh (Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế TPHCM) Nguyễn Việt Khoa.
Nên lập ủy ban giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp

Không cổ phần hóa bằng mọi giá, đồng thời nên lập ủy ban giám sát việc cổ phần hóa do Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội làm nòng cốt. Đó là đề xuất đầy tâm huyết, bên cạnh những phân tích nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua của Giám đốc Trung tâm Tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh (Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế TPHCM) Nguyễn Việt Khoa.

TPHCM cam kết hoàn thành cổ phần hóa đúng thời hạn.

TPHCM cam kết hoàn thành cổ phần hóa đúng thời hạn.

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Có thể nói rằng, trong năm 2014, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay khi Chính phủ ra Nghị quyết về đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa. Người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết liệt, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý nếu các lãnh đạo doanh nghiệp chậm trễ trong tiến trình tiến hành cổ phần hóa. Đồng thời, có thể nói rằng chúng ta không thể tiếp tục chần chừ về cổ phần hóa DNNN được nữa.

Những cam kết trong các hiệp định song phương, đa phương, điển hình là cam kết của chúng ta khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo Điều 166 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì quá trình chuyển đổi DNNN chậm nhất phải hoàn thành là ngày 1-1-2010 nhưng nay đã qua hơn 4 năm. Hiện Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và có thể nói rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ xem chúng ta tiến hành cải cách và đổi mới DNNN như thế nào để họ có thể tiếp tục hay mở rộng đầu tư.

Cũng phải thừa nhận rằng, trong những năm vừa qua tiến trình  cổ phần hóa DNNN của chúng ta diễn ra quá chậm chạp, có thể kể ra một vài nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, tình hình suy giảm kinh tế của thế giới và Việt Nam, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán. Thứ hai, hầu hết các cơ quan chủ quản của DNNN chưa thật quyết liệt trong việc chỉ đạo cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ một vài cơ quan đã thực hiện nghiêm túc trong việc cổ phần hóa mà điển hình là Bộ Giao thông Vận tải. Thứ ba, Ban Chỉ đạo về đổi mới cải cách DNNN chưa hoàn thành tốt công việc chỉ đạo, theo dõi tiến trình cổ phần hóa. Thứ tư, bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp cố tình chậm trễ bởi vì sợ bị “mất ghế” sau khi cổ phần hóa DNNN do mình quản lý.

Có thể nói rằng, tâm lý của họ cố gắng kéo dài càng lâu càng tốt mà hay hơn nữa là khi nhiệm kỳ lãnh đạo của mình kết thúc. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không nên vì chúng ta quá chậm trễ trong việc tiến hành cổ phần mà tiến hành cổ phần hóa bằng mọi giá, đặc biệt có ý kiến đề nghị cho bán cổ phần của DNNN thấp hơn giá vốn cho các nhà đầu tư bên ngoài.

Trên thực tế, điều này rất nguy hiểm, sẽ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng. Vì để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, các DNNN sẵn sàng bán cổ phần với giá thấp hơn nhiều. Ở đây chúng ta còn chưa đề cập đến việc một số lãnh đạo DNNN sẽ liên kết với các nhà đầu tư bên ngoài nhằm làm hạ giá cổ phần của DNNN do mình quản lý.

Vì vậy, nếu chúng ta không có những biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ về quy trình tiến hành cổ phần hóa sẽ gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước. Đồng thời, một số tài sản nhà nước sẽ chuyển cho tư nhân quản lý bằng nhiều cách thức khác nhau và xuất hiện nhiều nhà tư bản, mà nước Nga trong giai đoạn chuyển đổi là một điển hình.

Lập ủy ban giám sát

Kinh nghiệm cho thấy, nếu không quản lý giám sát chặt chẽ việc cổ phần hóa thì sau khi cổ phần hóa sẽ phát hiện hàng loạt những sai phạm, tiêu cực xảy ra. Sai phạm nghiêm trọng từ Công ty cổ phần Thực phẩm kỹ nghệ Việt Nam (VIFON) là một điển hình. Vậy giải pháp nào hữu hiệu để có thể kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cổ phần hóa DNNN?

Chúng tôi cho rằng, Quốc hội cần lập ra một ủy ban giám sát về cổ phần hóa mà Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội là nòng cốt với đội ngũ bao gồm những chuyên gia độc lập. Đồng thời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương để thực hiện hoạt động giám sát từng trường hợp cụ thể khi tiến hành cổ phần hóa.

Có thể nói rằng, hầu hết các DNNN trong tiến trình cổ phần hóa sắp tới đều là những doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, đồng thời họ nắm giữ nguồn tài nguyên quốc gia vô cùng lớn của đất nước. Vì vậy, không thể lơ là trong việc giám sát hoạt động cổ phần hóa DNNN. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo của đất nước. Chúng ta càng phải thận trọng hơn khi tiến hành đổi mới DNNN cho phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.

Cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn, nhưng cần phải có lộ trình rõ ràng, cần sự giám sát chặt chẽ của một cơ quan độc lập có đủ thẩm quyền, đại diện cho ý chí của nhân dân. Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, với sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan giám sát về cổ phần hóa thì tiến trình cổ phần hóa sẽ diễn ra nhanh chóng, thu về một nguồn vốn lớn cho ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong tiến trình xây dựng và phát triển của đất nước.

LẠC PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục