Nên tăng cường thi tuyển các chức danh lãnh đạo

(SGGP).- Ngày 30-9, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCSHCM phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức tọa đàm “Các phóng viên, nhà báo trẻ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII”.

Theo Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM Nguyễn Long Hải, hiện Trung ương Đoàn đang tổ chức góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong các tầng lớp thanh niên, trong đó có đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đang được triển khai trong cán bộ Đoàn, Hội. Qua đó tạo cơ hội cho người trẻ phát huy trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã bày tỏ tâm huyết đóng góp vào nội dung cụ thể của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng. Đáng chú ý, về vấn đề quy hoạch cán bộ trẻ, xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận, ý kiến của nhà báo Bùi Văn Kiên (Báo Tiền phong) cho rằng, hiện vẫn còn những quy định hạn chế, thậm chí là rào cản với cán bộ trẻ. Đó là việc đưa ra những quy định tiêu chuẩn cán bộ quá chặt chẽ về thời gian, kinh nghiệm công tác, chưa xem xét ở góc độ trí tuệ, tài năng. Thực tế, rất hiếm người trẻ từ 35 - 40 tuổi được bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc sở, chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh. Cần đổi mới các quy định tiêu chuẩn cán bộ theo hướng giảm thời gian công tác, kinh nghiệm làm việc và thi chuyên viên chính. Thay vào đó, nên tăng cường hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện cho người trẻ có đủ điều kiện tham gia cạnh tranh sòng phẳng với cán bộ khác”.

Các nhà báo khác cho rằng, nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng là giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nhưng muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả, bên cạnh quyết tâm của Nhà nước thì cần sự ủng hộ, tham gia mạnh mẽ của người dân. Tính chiến đấu, chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng cao và để phát huy vai trò này của báo chí, cần tạo hành lang cho báo chí phát triển lành mạnh. Báo chí phải được đưa tin trung thực, phản biện khách quan. Các cơ quan, tổ chức cần chủ động cung cấp thông tin, không né tránh, bưng bít để tránh luồng thông tin xuyên tạc, bóp méo sai lệch bản chất vấn đề. Lắng nghe tiếng nói phản biện từ báo chí và tạo cơ hội cho báo chí phản biện cũng là một hình thức phát huy quyền dân chủ của nhân dân một cách công khai, minh bạch và chính thống…

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục