Trong suốt mấy chục năm xây dựng chính quyền ở TPHCM và cả nước, nếu nhớ không nhầm thì riêng trong bộ máy chính quyền các cấp của TPHCM có nhiều trường hợp cách chức, cho chuyển công tác cán bộ do phẩm chất và năng lực, chỉ có hai trường hợp từ chức. Một là nữ giám đốc Sở LĐTB-XH TP do nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra những chuyện bê bối về tiền nong trong sở; lần thứ hai là của Chủ tịch UBND quận 9.
Việc từ chức ở cấp Trung ương lại càng hiếm. Ở các nước văn hóa từ chức được xem là chuyện bình thường, nhưng ở nước ta trong thời điểm hiện nay có thể xem là chuyện hi hữu! Lâu nay, chúng ta vẫn có quan niệm, gần như trở thành chính thống, chức vụ của một ai đó là do nhân dân ủy thác và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân bố trí, bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ra ứng cử...
Với quan niệm như vậy, người cán bộ công chức xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên xuống, ra vào là chuyện của tổ chức còn bản thân thì thụ động chờ đợi tổ chức phân công - làm thì làm, nói nghỉ thì nghỉ rất thành thật. Mấy năm về trước có nhiều chuyện bê bối xảy ra ở một sở nọ do năng lực lãnh đạo.
Báo chí phỏng vấn vị giám đốc này là có ý định từ chức không, vị giám đốc trả lời rất thành thật: trong “từ điển” của mình không có hai chữ từ chức. Đảng phân công nhiệm vụ gì thì phải làm, nếu Đảng thấy làm không được thì Đảng bảo nghỉ mới nghỉ, mình không có quyền từ chức!
Chính vì quan niệm như thế nên vừa qua có trên chục ngàn công chức cả nước và TPHCM xin nghỉ để ra làm việc khu vực ngoài công lập. Đặc biệt là có 4 vị phó giám đốc cũng xin nghỉ việc – chuyện này đáng ra nên xem là bình thường chẳng có gì phải ầm ĩ. Thế nhưng, cũng có ý kiến ra ý kiến vào.
Thực chất đây là sự chuyển dịch lao động bình thường giữa các khu vực. Có đáng nói chăng, khu vực công cần xem lại chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc cho xứng với giá trị sức lao động của đội ngũ công chức!
Chuyển từ thời kỳ quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN... bản chất của nhà nước không thay đổi, đó là điều bất di bất dịch, có thay đổi chăng là thay đổi cách nhìn và xử sự của tổ chức đối với việc bố trí từng vị trí công vụ. Thí dụ như có thể tiến đến thi tuyển cạnh tranh công khai vào các vị trí lãnh đạo.
Ở đây cần giải quyết mối quan hệ giữa phẩm chất và năng lực. Phẩm chất là điều kiện cần, phải thêm năng lực là điều kiện đủ thì mới hoàn chỉnh. Ở các nước, cầu bị sập, xe lửa đụng nhau Bộ trưởng Bộ Giao thông từ chức (Hàn Quốc, Ấn Độ), phát ngôn không chuẩn, Bộ trưởng của nội các 2 ngày tuổi ở Nhật cũng từ chức. Chuyện sữa chứa độc tố melamine, Cục trưởng Cục Chất lượng Trung Quốc từ chức.
Gần đây, nhiều chuyện bức xúc như Vedan gây ô nhiễm, những dòng sông như sông Đáy, sông Cầu, kênh Tham Lương, Ba Bò, sông Thị Vải bị “giết chết” từ mấy chục năm qua… được phơi bày trước dư luận. Rồi đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân gây ô nhiễm trầm trọng làm bạc lá cây xung quanh, nhà máy đóng tàu Vinashin Khánh Hòa chôn lén chất thải độc hại cả chục năm qua không đúng quy cách…
Vậy các tổ chức cá nhân quản lý và bảo vệ môi trường ở đâu sao không thấy lên tiếng. Vì năng lực yếu, bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm, hay có gì gì khác nữa mà làm ngơ. Cái giá phải trả do tác hại môi trường thật quá đắt! Phải mất 10 năm tích cực cứu chữa thì môi trường mới trở lại như cũ, ai phải chịu trách nhiệm chính?
Việc từ chức khi tự thấy mình không có đủ năng lực đảm nhiệm vị trí công tác là một sự trung thực, dũng cảm rất đáng cho mọi người suy nghĩ. Mong rằng nó trở thành chuyện bình thường và cần thiết diễn ra ở các cấp chính quyền từ thấp đến cao, từ TP đến Trung ương.
Diệp Văn Sơn