“Neo” cầu để chạy phà

Cách TP Cà Mau chừng 50 km, nhưng bao đời nay thị trấn Sông Đốc được ví như một ốc đảo vì bị ngăn cách với phố huyện Trần Văn Thời bởi con sông Rạch Ruộng ngang chưa đầy 30m.
“Neo” cầu để chạy phà

Cách TP Cà Mau chừng 50 km, nhưng bao đời nay thị trấn Sông Đốc được ví như một ốc đảo vì bị ngăn cách với phố huyện Trần Văn Thời bởi con sông Rạch Ruộng ngang chưa đầy 30m.

Thị trấn Sông Đốc có trên 40.000 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản với khoản nộp ngân sách hàng năm trên 20 tỷ đồng. Nhìn chung, nếu so ở cấp thị trấn cả nước, người dân thị trấn Trần Văn Thời có mức sống tương đối khá, xếp vào top đầu về thu nộp ngân sách. Chỉ tiếc, dù khá giả nhưng người dân nơi đây ngày đêm vẫn còn lụy vào những con đò qua sông Rạch Ruộng. Bến có hai chiếc đò-phà được làm bằng gỗ ngày càng rệu rã theo mưa gió và mất an toàn do một doanh nghiệp tư nhân thầu. Những vụ tai nạn đáng tiếc như xe lao xuống sông… xảy ra liên tục. 

Những chuyến đò - phà do doanh nghiệp Đức Trí khai thác, hàng ngày chở người và phương tiện qua sông Rạch Ruộng luôn rình rập tai nạn.

Những chuyến đò - phà do doanh nghiệp Đức Trí khai thác, hàng ngày chở người và phương tiện qua sông Rạch Ruộng luôn rình rập tai nạn.

Sau nhiều lần gởi đơn đến các cơ quan cầu cứu, cuối cùng bà con Sông Đốc cũng được chính quyền “để mắt” đồng ý làm cầu. Đáng tiếc, kế hoạch xây dựng cây cầu bắc qua sông Rạch Ruộng trong vòng 4 tháng đã kéo dài cả năm và nguy cơ người dân Sông Đốc tiếp tục “lụy đò” trong vài năm nữa bởi cách làm tréo cẳng ngỗng của chính quyền địa phương đang khiến dư luận bất bình.

Được biết, cuối tháng 11-2009, Phòng Công thương huyện Trần Văn Thời bán hồ sơ mời thầu khảo sát-thiết kế-xây dựng-khai thác và chuyển giao cầu Rạch Ruộng theo hình thức BOT. Có 6 nhà đầu tư tham gia đấu thầu và kết quả Doanh nghiệp (DN) Đức Trí, đơn vị đóng trên địa bàn thị trấn trúng thầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã tròn một năm nhưng DN Đức Trí vẫn án binh bất động.

Nếu căn cứ hồ sơ xét thầu, DN Đức Trí đã vi phạm nghiêm trọng và phải bị chấm dứt hợp đồng. Cụ thể, một trong những tiêu chí được ghi khá rõ trong hợp đồng là trong vòng 30 ngày (kể từ ngày thông báo trúng thầu) phải triển khai thi công và hoàn thành công trình trong vòng 120 ngày. Nhà thầu thi công trễ quá 30 ngày không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Mặt khác, nhà thầu phải bỏ toàn bộ vốn để thực hiện dự án (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) theo đúng tiến độ dự án… Thế nhưng không hiểu vì lý do gì chính quyền địa phương vẫn dùng dằng không có biện pháp xử lý dứt điểm khiến sự việc ngày càng dây dưa, kéo dài.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Huỳnh Văn Minh cho biết, nguyên nhân khiến việc xây dựng cầu bắc qua sông Rạch Ruộng chậm là do công tác định giá, giải phóng mặt bằng đối với 9 hộ dân có nhà đất bị ảnh hưởng ở phía bờ Đông và Tây kéo dài. Đến khi xong phần định giá, bà con lại không đồng tình vì cho rằng giá đền bù thấp, không thỏa đáng. Ngoài ra, nhà thầu cũng thiếu tích cực với các hộ dân để bàn giải pháp đền bù, di dời và sớm bàn giao mặt bằng thi công.

“Dù vậy, việc giải tỏa chưa thực hiện xong thuộc trách nhiệm của địa phương, không thể đổ hết lỗi cho nhà thầu! Hiện chúng tôi đang khẩn trương chỉ đạo thị trấn Sông Đốc vận động những hộ dân ở hai đầu cầu giải tỏa di dời, nếu không chấp hành sẽ kiên quyết lập hồ sơ giải tỏa”. Thực tế, với cách giải quyết theo hướng này, UBND huyện Trần Văn Thời đã vô tình “bảo kê” cho nhà thầu Đức Trí vì doanh nghiệp này đang khai thác thu phí qua đò-phà, mỗi ngày trên dưới 10 triệu đồng nên chưa muốn buông ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xây dựng cây cầu bắc qua sông Rạch Ruộng chỉ tốn khoảng trên dưới 3 tỷ đồng (tính cả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng). DN trúng thầu sau khi xây dựng xong sẽ được bán vé cho người đi kèm phương tiện với giá 1.500 đồng/lượt, không thu vé đối với người đi bộ và học sinh trong vòng 3 năm để thu hồi vốn.

Trong khi đó, với việc đưa đò hiện nay, DN Đức Trí được thu tiền với người đi bộ giá 500 đồng/lượt và 2.500 đồng/lượt/xe gắn máy. Sau 22 giờ đêm thu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lượt cả người lẫn phương tiện. Như vậy, không cần xây cầu, hàng ngày DN Đức Trí vẫn tiếp tục thu tiền qua đò-phà. Còn vội vàng xây cầu, trước mắt DN phải bỏ tiền đầu tư và sau khi xong khoản thu lại giảm sút đáng kể. Từ đây có thể hiểu vì sao nhà thầu Đức Trí chưa vội triển khai xây dựng cầu, còn các hộ dân không đồng thuận với cách xử lý của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Phát Quang, một trong những hộ dân nằm trong diện giải tỏa, bức xúc: “Chúng tôi sẵn sàng hiến đất để cùng nhà nước làm đường cho dân đi, nhưng không đồng tình để nhà thầu Đức Trí tiếp tục ăn chặn trên mồ hôi nước mắt của bà con”. Quả vậy, khi được hỏi về chính sách làm cầu bắc qua sông Rạch Ruộng hiện nay, hầu hết người dân Sông Đốc rất bức xúc. Họ mong muốn cây cầu phải được “nhà nước và nhân dân cùng làm” hoặc người dân Sông Đốc tự góp vốn để xây cầu và không cần thu phí. Tuy nhiên, các ý kiến của người dân đều không được chính quyền địa phương xem xét, chấp thuận.

Từ những bất cập trên, người dân đặt vấn đề, có chăng giữa DN Đức Trí và một số cán bộ chính quyền phương có mối quan hệ “trên mức tình cảm” nên DN này mới được “ưu ái” dù đã vi phạm nghiệm trọng hợp đồng? Trong khi đó, bỏ mặc sự mòn mỏi đợi chờ một cây cầu của trên 40.000 người dân Sông Đốc đã bao đời nay.

LẠC PHONG-TRỌNG HUY

Tin cùng chuyên mục