Nét đẹp làng nghề Đồng Kỵ

Nét đẹp làng nghề Đồng Kỵ

Làng Đồng Kỵ xứ Đông Ngàn vùng Bắc Ninh, nằm cận kề với Đình Bảng, Tam Sơn, Phù Khê, phía Bắc sát bờ sông Như Nguyệt, phía Nam giáp ranh quận Long Biên - Hà Nội. Theo đường số 1 đến thị trấn Từ Sơn rẽ trái chừng một cây số là làng Đồng Kỵ - một làng cổ, một địa danh nổi tiếng có cụm di tích đình - chùa vào loại lớn nhất và cổ nhất nước ta.

  • Truyền thống và hiện đại
Nét đẹp làng nghề Đồng Kỵ ảnh 1

Cảnh đồng quê ở Đồng Kỵ.

Đồng Kỵ với hơn 10 ngàn người là làng nghề đồ gỗ chạm khắc tinh xảo và cũng là một trong những cái nôi nghệ thuật tuồng trên miền Bắc. Chùa Đồng Kỵ, nơi đã che giấu nhiều cán bộ cách mạng nổi tiếng hoạt động dài ngày ở đây hồi trước Cách mạng Tháng Tám. Theo những bậc lão thành kể lại thì làng Đồng Kỵ ngày xưa như một pháo đài của lòng dân bất khả xâm phạm.

Những đội quân du kích có thể bám làng đánh giặc hàng tháng, hàng năm. Giặc Pháp không thể chọc thủng được những cổng làng kiên cố, những bức tường dày đặc; cho dù quân thù có vào làng được cũng không thoát ra nổi bởi hệ thống đường làng như trận đồ bát quái khó tìm ra lối thoát thân. Đồng Kỵ là miền đất của những người lao động cần cù:

Trai thì buôn bán ngược xuôi
Gái thì canh cửi, chăn nuôi, ruộng đồng

Đồng Kỵ còn nổi tiếng là làng nghề đồ gỗ và đúc đồng, chạm khắc tinh vi. Đến nay truyền thống đó được phát huy gấp nhiều lần, làm cho bộ mặt của làng thay đổi hẳn. Nếu trước đây mươi năm, con đường từ cây số 18 rẽ vào làng còn gập ghềnh hai bên là đồng ruộng chỉ có lúa, ngô, khoai… thì nay con đường nhỏ đã mở thành đường đôi có dải phân cách, hai bên là những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên trông giống như một góc ngoại thành Hà Nội.

Cảnh tân cổ giao duyên, cũ và mới đan xen nhau trông thật lạ mắt. Đứng trên góc độ văn hóa mà nhìn thì thấy hơi lo vì cái mới, cái hiện đại đang xâm lấn cái cổ, cái dân tộc. Nhưng đứng về quan điểm kinh tế xã hội thì, đây là một sự đổi mới, đổi đời rất cơ bản. Không ai tới Đồng Kỵ hôm nay còn lo cho người dân thiếu đói, còn băn khoăn cảnh nhà tranh vách đất gió lùa như năm xưa, mà có thể nói Đồng Kỵ là một làng ấm no, giàu có vào bậc nhất vùng Kinh Bắc.

Nét đẹp làng nghề Đồng Kỵ ảnh 2

Nghề đúc đồng, một nghề truyền thống ở làng Đồng Kỵ.  Ảnh: A. D.

Những chiếc ô tô du lịch đã xuất hiện trong sân của một số chủ hộ sản xuất đồ gỗ, còn xe máy thì đã hoàn toàn thay thế xe đạp từ lâu rồi ! Không có một nhà nào không có ti vi và không có một cán bộ xã nào, hoặc không có chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công nào là không có điện thoại di động, và gần 100% hộ dân đã mắc điện thoại cố định, thậm chí còn có nhiều nhà đã biết sử dụng máy vi tính, biết truy cập mạng Internet. Khoa học kỹ thuật, văn minh điện tử đã giúp cho người nông dân Đồng Kỵ nhanh chóng đổi đời.

Một điều rất mừng là, tuy tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng những di tích văn hóa ở làng cổ Đồng Kỵ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Có thể nói, chưa ở đâu có được một cụm di tích đình chùa cổ kính và to đẹp như ở Đồng Kỵ. Hàng trăm pho tượng cổ từ xưa vẫn đứng yên nguyên vẹn. Hàng ngàn hàng vạn người đến tham quan thắp hương và cúng lễ nhưng vẫn không làm mất mát, xê dịch những hiện vật cổ.

Cây đa có hàng mấy trăm năm tuổi vẫn sừng sững tỏa bóng mát xuống sân đình, hầu như không có một ai dám chặt phá bởi cây đại thụ đã trở thành vật thiêng trong tâm thức mọi người. Đồng Kỵ từ xa xưa có lễ hội đốt pháo, “pháo Đồng Kỵ” không phải pháo dây bình thường mà là những quả pháo khổng lồ được quấn hàng tạ rơm và hàng chục cân thuốc nổ.

Ai trong làng bắt thăm được làm pháo và cây pháo nổ đúng vào ngày mùng 5 Tết là được lộc to, là niềm hạnh phúc lớn trong một năm, cho nên sau khi đốt pháo họ liền trở về nhà mổ heo tế thần và ăn mừng. Từ ngày Chính phủ có lệnh cấm đốt pháo thì Đồng Kỵ cũng ngừng lễ hội pháo, nhưng để cho dân làng có cái vui chơi trong ngày Tết, chính quyền địa phương cho phục hồi các trò chơi dân gian như diễn tuồng, hát quan họ, chọi gà và thi thơ... 

  • Đa dạng sinh vật cảnh

Khách thập phương đến Đồng Kỵ dịp xuân, sau khi viếng đình, chùa, thắp nhang, lễ Phật... đều tham dự lễ hội sinh vật cảnh, một lễ hội thanh lịch, không ồn ào mà đậm ý nghĩa nhân văn: Con người gắn với cây cảnh, cây cảnh gắn với thơ ca, với những trò diễn xướng dân gian.

Hội Sinh vật cảnh Đồng Kỵ có rất nhiều hội viên, mỗi hội viên đều có tham gia những tác phẩm đặc sắc, được trình bày tại khu đình chùa Đồng Kỵ khoáng đãng và thiêng liêng kết hợp với những bài thơ, câu đối nói lên thú chơi thanh cao, tao nhã ở một làng nghề truyền thống. Thông qua những hình tượng cây cảnh giàu tính mỹ thuật mà tao nhân mặc khách cảm nhận được những nét đẹp truyền thống đan xen với những nét đẹp hiện đại cao sang.

Bàn tay khéo léo của những thợ làng nghề Đồng Kỵ đã chế tác ra những hình tượng cây cảnh đẹp thể hiện sự tinh túy, trong sáng về triết lý cuộc sống. Ví dụ như thế mẫu tử thương thân nhằm thể hiện sự âu yếm đùm bọc che chở của người mẹ đối với đứa con thân yêu, đồng thời gửi gắm cả niềm tin hy vọng vào tương lai mà tận tâm nuôi dưỡng dạy dỗ thành người. Thế bạt phong hồi đầu thể hiện sự bất khuất kiên cường trước mọi gian lao, quyết tâm chiến thắng để rồi trở về với cái đích thực cội nguồn của nó. Biết bao những dáng thế khác cũng nhằm hình thành cái nhân cách, đạo đức làm người.

Từ dáng thế cây cảnh đẹp, người tạo dựng thẩm mỹ phải tư duy vận trí, thả hồn vào cỏ cây hoa lá mới hình thành được chế tác sinh động. Qua đó mà cái gien nhạy cảm, gien thông minh phát triển tốt hơn. Mỗi người dân Đồng Kỵ đều nhận thức rằng trồng thêm một cây là một việc ích nước lợi nhà, là tô điểm thêm nét đẹp cho quê hương và người tạo dựng thêm một tác phẩm cây thế thẩm mỹ có ý nghĩa tốt là làm được một việc thiện cho đời. Ngoài cây cảnh, hoa cảnh được trưng bày còn có cả vật cảnh gỗ mỹ nghệ điêu khắc chạm khảm, đồng thời có cả núi non và chim cảnh.

Sự đa dạng của sinh vật cảnh ở vườn xuân Đồng Kỵ đã đưa thiên nhiên trở về với cuộc sống, con người cảm thấy gắn bó với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên gửi gắm tâm hồn vào núi non, hoa lá và kéo cộng đồng xích gần lại với nhau, đoàn kết yêu thương nhau hơn. Mỗi người cảm thấy thư thái, hồn nhiên, yêu đời và yêu quê hương đất nước hơn, như ca dao xưa đã truyền tụng:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Đồng Kỵ với anh thì về
Đồng Kỵ có lắm ngành nghề
Có sông tắm mát có nghề buôn trâu…

HOÀNG CHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục