Nét xưa theo gió xuân về

Đón xuân Nhâm Thìn, Cần Thơ còn đẹp đằm thắm, lặng sâu hơn bởi những mỹ tục hướng về cội nguồn, truyền thống. Xuân về để cội nguồn sống dậy.
Nét xưa theo gió xuân về

Đón xuân Nhâm Thìn, Cần Thơ còn đẹp đằm thắm, lặng sâu hơn bởi những mỹ tục hướng về cội nguồn, truyền thống. Xuân về để cội nguồn sống dậy.

  • Hồn quê vào phố

“Cái nghề này cực lắm. Phải chày 3 (ba người giã quết) mới nhanh, quết xong phải dùng cây lăn tròn cán mỏng…” - dì Tư (Phong Điền, Cần Thơ) cùng 6 nghệ nhân của xã Nhơn Nghĩa được mời biểu diễn nghệ thuật làm bánh phồng nói. Người đàn ông ngoài sân đứng dạng hai chân lấy thế, tay nắm chặt cán chày; cứ mỗi nhịp lại phải đổ vào trong cối ít hỗn hợp nước dừa trộn lòng đỏ hột gà. Lớp xôi được quến dẻo, mịn dần, dậy mùi thơm. Tiếng chày quết bánh giữa phố thị khiến bước chân du khách thêm tần ngần, lỡ nhịp. Bánh hồng đào (hay bánh lá liễu, bánh ba góc) của người Hoa Triều Châu dù chiên hay hấp đều có màu đỏ nhạt như đào tiên, da bằng bột há cảo trộn bột nếp có in chữ Thọ hay hoa văn; nhân có thịt nạc, tôm khô, nấm đông cô, đậu phộng.

Vào tháng chạp, trước ngày 23, bánh hồng đào là lễ vật không thể thiếu của người Hoa tại hội quán, chùa hay tại gia để tạ ơn trời đất, các vị thần, cầu an cầu phước. “Tôi đã ngoài 50 (tuổi) còn thấy lạ huống gì lớp trẻ”, anh Ba Phước khẳng định. Những biến thể đầy sáng tạo từ hạt gạo tưởng như chỉ còn trong câu chuyện của ngoại lại hiện diện qua rất nhiều loại bánh dân gian của bà con người Việt - Hoa - Khmer như bánh thốt nốt, bánh kèn, bánh bí, bánh in, bánh xèo, bánh tét…

Trình diễn dệt chiếu. Ảnh: XUÂN THANH

Trình diễn dệt chiếu. Ảnh: XUÂN THANH

Khung dệt của mẹ con nghệ nhân Trương Thị Đẳng, 86 tuổi ở phường Thường Thạnh (Cái Răng, Cần Thơ) vẫn buông tiếng nhịp nhàng như cuộc đời trải 3 thế hệ gắn với nghề vậy. “Tôi vào nghề từ năm 10 tuổi, đến nay vẫn sống được với nghề. Ở nhà tôi phải mướn thêm thợ (50.000 đồng/ngày), làm quanh năm”. Cứ hơn 2 tiếng thợ giỏi ra được cặp chiếu khổ 1,6m x 2,2m với giá từ 90.000 – 110.000 đồng/chiếc; lác sẵn có tại địa phương, nhân công thì tại chỗ, mùa tết là mùa hiếu hỉ nên việc làm không hết.

Góc viết thư pháp đông nghẹt. Đầu năm “xin chữ thánh hiền”- hình ảnh ông đồ áo dài khăn đóng đã trở về với nắng xuân. Trẻ nít khoái chí với những con vật được kết bằng lá dừa, mấy bậc trung niên lại nhấp môi chén rượu mận đặc sản của cù lao Tân Lộc trong tiếng đờn ca của Câu lạc bộ đờn ca tài tử… Qua 5 lần tổ chức, chương trình “Sắc xuân miệt vườn” lần này được tổ chức trong khuôn viên bảo tàng Cần Thơ có quy mô lớn nhất, là dịp để người dân có thể giao lưu gặp gỡ các nghệ nhân, hiểu thêm phong tục tết xưa lễ cũ của chính quê hương mình.

  • Tôn vinh và bảo tồn

Là người từng có công phát hiện, giới thiệu nghệ nhân bánh xèo Mười Xiềm (Bình Thủy, Cần Thơ), bà Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ cho biết nhiều loại hình văn hóa mà cha ông đã dày công tạo dựng, của các dân tộc Việt - Khmer - Hoa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền do quá trình đô thị hóa quá nhanh và sự du nhập các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài. “Hãy cùng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc”, đó là thông điệp của tất cả các hoạt động đón xuân này. Hàng trăm lượt người mỗi ngày đến với “Sắc xuân miệt vườn” cho thấy các loại hình dân gian truyền thống vẫn có sức hút mạnh mẽ lắm.

Không gia hoài cổ, phát huy mỹ tục của đô thị ven sông Hậu này còn sôi động với cuộc thi trưng bày, biểu diễn các loại bánh dân gian từ các doanh nghiệp, nhà hàng trong chợ cổ; cuộc thi nấu bánh tét “Tết quân dân” tại huyện Vĩnh Thạch rồi quyết định trùng tu đình cổ Tân An mới đây của chính quyền thành phố; cây gia phả của dòng họ Dương vừa được dựng lên trang trọng trong nhà cổ Bình Thủy… “Xuân về là cơ hội để nét đẹp xưa trỗi dậy sống động hơn. Mới hai ba ngày giáp tết hơn 200 đòn bánh tét đã được nấu, tặng khách”, bà Nguyễn Thanh Thúy, chủ cà phê Vip trên đường 30-4 cũng tổ chức đổ bánh xèo, nấu bánh tét ngay trong quán nói vậy.

Văn hóa nội sinh là sức mạnh của vùng đất, của dân tộc. Khi văn hóa nội sinh bị biến dạng thì cần phải khẳng định lại để chúng ta giữ gìn. Ai đó còn nói rằng nông thôn là vùng đất nuôi giữ sâu đậm nhất, nơi trú ngụ bền vững nhất của văn hóa dân tộc, cốt cách dân tộc. Với những hoạt động khơi dậy, lưu giữ, phát huy văn hóa phi vật thể như vậy Cần Thơ càng lớn mạnh hơn và cũng là dịp để ngành du lịch nghiên cứu, khai thác đưa khách về đón xuân cùng đất và người Cần Thơ, Giám đốc Bảo tàng Cần Thơ Huỳnh Đỉnh Chung chia sẻ. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục