Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu khi đề xuất khen thưởng

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2022. Xung quanh nội dung này, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Giang (ảnh), Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu khi đề xuất khen thưởng

Chặt chẽ về thủ tục, hồ sơ

* Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về công tác xây dựng các nghị định về công tác thi đua, khen thưởng lần này?

* Ông PHẠM HUY GIANG: Bộ Nội vụ được Chính phủ giao triển khai xây dựng 2 nghị định quy định chi tiết 29 điều trong Luật Thi đua, khen thưởng. Trong đó, 1 nghị định quy định chi tiết 28 điều trong Luật Thi đua, khen thưởng và 1 nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang (khoản 3, Điều 96).

Luật Thi đua, khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng, rất đa dạng, mỗi đối tượng được điều chỉnh có đặc thù khác nhau về tính chất, vị trí pháp lý, ngành nghề, nhiệm vụ công tác, đặc điểm hoạt động. Trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, các văn bản quy định chi tiết sẽ quy định cụ thể hơn điều kiện, tiêu chuẩn của các nhóm đối tượng, lĩnh vực, để bảo đảm tính khả thi và bao quát được thực tiễn đời sống xã hội, cũng như tạo thuận lợi trong quá trình tra cứu, nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng và phù hợp với thực tiễn; đảm bảo cải cách thủ tục hành chính về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng trong xã hội, động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có quy định về khen thưởng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác. Đây là nội dung mới, sẽ được thực hiện ra sao để tránh khen thưởng không đúng đối tượng?

* Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng có quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền khen thưởng đối với doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; quy định cụ thể về khen thưởng đối với doanh nghiệp, cá nhân, tập thể thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực Nhà nước; doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước (kể cả doanh nghiệp FDI); quy định cụ thể việc xét trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

Dự thảo bên cạnh việc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng, còn quy định chặt chẽ về thủ tục, hồ sơ khen thưởng đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, hạn chế khen thưởng không đúng đối tượng.

Theo đó, khi đề nghị khen thưởng cờ thi đua, bằng khen, Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, tập thể lao động xuất sắc và các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đối với tập thể, cá nhân là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị làm tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội với người lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy... phải có văn bản xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền về các nội dung đề nghị khen thưởng trong khoảng thời gian báo cáo thành tích.

Hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác phải có báo cáo (hoặc văn bản xác nhận) kết quả kiểm toán trong thời gian từ 5 năm trở lên trước khi đề nghị khen thưởng.

Có tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng

* Thưa ông, công tác thẩm định hồ sơ ban đầu được thực hiện như thế nào?

* Dự thảo nghị định có quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ, thời gian thẩm định hồ sơ khen thưởng ở các cấp. Theo đó, các trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thông qua Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp xét (trừ trường hợp đột xuất).

Dự thảo nghị định cũng quy định tỷ lệ phiếu đồng ý đối với một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (như Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, cờ thi đua Chính phủ; Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...) để đảm bảo tính tiêu biểu trong khen thưởng (khoản 8, Điều 30); quy định xin ý kiến của các cơ quan có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền khen thưởng; quy định trách nhiệm của người đứng đầu đối với hồ sơ, thủ tục, quy trình, tính chính xác của thành tích và các nội dung liên quan đến thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

* Việc công nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể để có cơ sở đề xuất trong thi đua, khen thưởng sẽ được “định lượng” bằng cách nào, thưa ông?

* Như đã nói ở trên, Luật Thi đua, khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng, rất đa dạng. Vì vậy, dự thảo nghị định đã thiết kế các tiêu chuẩn khen thưởng phù hợp với từng đối tượng và đảm bảo nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”.

Theo đó, đối với cá nhân, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hiện nay được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định có liên quan.

Đối với tập thể, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hiện nay được thực hiện theo quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc kiểm điểm và đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Đối với cá nhân và tập thể không có quy định đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua Khen thưởng năm 2022, vì luật đã có tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể cho các đối tượng này.

Tin cùng chuyên mục