Trong phần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo SGGP, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM đã nói: “nhiều trường hợp khiếu nại tố cáo nói đã giải quyết được, nhưng có khi đó chỉ là “ kính chuyển”, chứ không phải làm “ra ngô ra khoai”. Nếu chỉ “kính chuyển” mà báo cáo đã giải quyết, là một loại bệnh hình thức” (SGGP 3-12-2007).
Tôi thấy việc giải quyết đơn thư khiếu nại theo kiểu “kính chuyển” không chỉ đơn giản “là một loại bệnh hình thức” như bà Chủ tịch HĐND TPHCM nói mà còn “dối trên, lừa dưới”, gây lãng phí cho ngân sách và công sức, tiền bạc, thời gian của người đi khiếu kiện.
Giải quyết khiếu nại mà chỉ ngồi trong văn phòng nhận đơn rồi làm phiếu “kính chuyển” như vậy, càng làm cho người đi khiếu nại phải chạy lòng vòng hết cơ quan này đến cơ quan kia và mỗi một cơ quan, cán bộ giải quyết khiếu nại lại thêm một bộ hồ sơ, lại tốn thêm tiền bạc, công sức, thời gian của người đi khiếu nại.
Tại sao các cơ quan có chức năng kiểm tra giám sát việc giải quyết khiếu nại không đi đến tận cùng sự việc để người dân được nhờ? Thay vì lại “kính chuyển” như một cơ quan bưu điện thứ hai, các cơ quan nhận đơn khiếu nại nên nghiên cứu và làm “đầu mối” phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc nếu như khiếu nại đó đúng hoặc giải thích để người khiếu nại thông hiểu, nếu đó là khiếu nại chưa đúng.
Mặt khác, khi bố trí phân công cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận giải quyết khiếu nại của công dân, các cơ quan, đơn vị nên chọn những cán bộ có “tâm” và có “tầm”. Cán bộ làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại của công dân phải đặt mình vào vị trí của người đi khiếu nại và cũng phải bức xúc như người đi khiếu nại thì mới làm việc có hiệu quả. Lãnh đạo các sở ngành quản lý nhà nước nên dành thời gian nhất định để trực tiếp nghe người dân nói và giải quyết khiếu nại của dân.
Bích Ngọc