Từ năm 1992 tới nay, khu vực ly khai Nam Ossetia thân Nga đã nhiều lần giao tranh với quân chính phủ Gruzia. Nhưng giờ đây, cuộc chiến tại đây đã trở thành cuộc chiến giữa Gruzia và Nga. Hai bên đã sử dụng xe tăng, rốckét và cả máy bay chiến đấu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc giao tranh tại Nam Ossetia là một kế hoạch đã được Gruzia sắp đặt trước để đưa nước cộng hòa này về với Gruzia. Kế hoạch dường như được tính toán kỹ và được bắt đầu khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin đang ở Bắc Kinh dự lễ khai mạc Olympic 2008 tối 8-8.
Theo ông Tom de Waal thuộc Viện Báo cáo chiến tranh và Hòa bình và là chuyên gia của khu vực Kavkaz, rõ ràng là Gruzia đã lên kế hoạch này từ lâu để giành quyền kiểm soát thủ phủ Tskhinvali và sau đó là toàn bộ Nam Ossetia. Có thể phía Gruzia tính toán rằng khi ông Putin đang ở Bắc Kinh họ có thể thuận lợi hơn và sẽ tái chiếm lại nơi này trong vòng 2 ngày.
Gruzia nghĩ rằng việc ông Putin không có mặt ở nhà, Mátxcơva sẽ kiềm chế hơn. Tuy nhiên, có thể Gruzia đã sai. Chỉ trong vòng vài giờ sau khi quân Gruzia tiến vào Tskhinvali, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã chủ trì một cuộc họp hội đồng an ninh tại điện Kremlin để ra lệnh cho quân đội của Nga phải tái chiếm lại Tskhinvali.
Nga có lý do để ra tay vì đa số người dân ở Tskhinvali là người có quốc tịch Nga và có cả lính giữ gìn hòa bình của Nga ở đây. Dư luận đang lo ngại, cuộc chiến tranh giành Nam Ossetia sẽ lan rộng sang nhiều vùng của Gruzia, trong đó có cả khu vực Abkhazia cũng đang ly khai.
Sự việc dường như đã được báo trước khi Nga phản đối phương Tây công nhận Kosovo độc lập và từng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả bằng việc công nhận nền độc lập của 2 khu vực Nam Ossetia và Abkhazia tại Gruzia. Nga cũng từng tuyên bố sẽ có hành động cứng rắn nếu Gruzia dùng vũ lực để thu hồi các vùng ly khai của nước này.
Chính vì e ngại căng thẳng với “chú gấu Nga” nên Pháp và Đức kiên quyết phản đối chủ trương của Mỹ và Anh kết nạp Gruzia vào NATO. Một khi Gruzia là thành viên NATO, tổ chức này sẽ đưa quân tới Gruzia để bảo vệ thành viên của họ và khó có thể nói hậu quả sẽ ra sao.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến tại Gruzia nếu kéo dài sẽ gây khó khăn, tổn thất lớn cho các bên tham chiến, nhưng trên hết chỉ có dân thường sẽ gánh chịu những mất mát lớn, phải rời bỏ nhà cửa,… Cuộc chiến sẽ đẩy quan hệ Nga-phương Tây tới mức căng thẳng mà Nga không muốn.
Vì thế cuộc chiến hẳn sẽ không kéo dài vì cả Nga và Gruzia chỉ muốn tranh thủ giành ưu thế ở Nam Ossetia khi Mỹ đang bận rộn với chiến dịch bầu cử tổng thống.
VŨ MINH