“Ngậm đắng” thuốc ngoại nhập kém chất lượng

Công ty dược Ấn Độ liên tục vi phạm

Ngày 12-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã phát đi công văn về việc kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các doanh nghiệp có thuốc vi phạm chất lượng. Theo Cục Quản lý dược, trong thời gian gần đây, qua công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc đã phát hiện và thông báo thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có nhiều thuốc nhập khẩu. Và thực tế, nhiều loại thuốc đang thực sự là uống vô thêm hại.

Công ty dược Ấn Độ liên tục vi phạm

Clavophynamox 1000 là thuốc được nhập khẩu bởi Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 với thành phần hoạt chất là Clavulanic acid Amoxicillin nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy không đạt chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan của hoạt chất Amoxicillin. Loại thuốc này do Công ty Flamingo Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ) sản xuất. Cũng với lỗi vi phạm về chỉ tiêu độ hòa tan và độ tan rã, 2 loại thuốc khác cũng do Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu từ Công ty Flamingo Pharmaceuticals Ltd là Nalidixic acid tablets BP 500mg và Piroxicam cũng vừa bị Cục Quản lý dược phát hiện kém chất lượng.

Chưa hết, đối với Công ty Umedica laboratories.Pvt (Ấn Độ), Cục Quản lý dược phát hiện công ty này 3 lần vi phạm với 3 loại thuốc khác nhau do qua kiểm nghiệm sản phẩm thuốc không đảm bảo chất lượng. Đó là thuốc Max-rifa được Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu không đạt chỉ tiêu độ hòa tan; UMEXIM-100 do Công ty cổ phần Dược thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu vi phạm khối lượng trung bình thuốc trong nang; thuốc UMED-ETHAM 400 do Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II (Phytopharma) nhập khẩu vi phạm chỉ tiêu mô tả…

Bên cạnh đa số các mặt hàng thuốc sản xuất từ Ấn Độ vi phạm chất lượng nói trên, một loạt công ty dược nước ngoài khác có thuốc vi phạm chất lượng như Công ty Apotex Inc (Canada); Công ty Pfizer PGM (Pháp); Công ty Denk Pharma GmbH & Co. KG. (Đức); Công ty Deawoo Pharm Co., Ltd (Hàn Quốc); Công ty Daehwa Pharmaceuticals (Hàn Quốc); Công ty Dae Han New Pharm Co, Ltd. (Hàn Quốc…).

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, từ ngày 1-1-2011 đến 23-8-2013, cục đã phát hiện 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Trong đó có 25 công ty dược phẩm của Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng.

Kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu

* Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, từ ngày 1-10-2013, kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm 100% số lô thuốc nhập khẩu từ các công ty dược nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường.

Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, nhằm tăng cường cung ứng thuốc có chất lượng phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, cục đã yêu cầu các công ty nhập khẩu thuốc phối hợp với hệ thống kiểm tra chất lượng kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu từ các công ty nằm trong danh sách đã bị phát hiện có thuốc vi phạm chất lượng trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường.

Cụ thể, sau khi thuốc được thông quan phải chuyển về bảo quản tại các kho đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP), sau đó liên hệ Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố đến lấy mẫu để kiểm tra chất lượng theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BYT ngày 12-2-2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc lấy mẫu thuốc để xác định chất lượng đối với 100% lô thuốc được nhập khẩu từ các công ty này. Kế tiếp là gửi mẫu đã lấy tới Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM hoặc trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố để kiểm tra chất lượng… “Chỉ được phép đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã được lấy mẫu và kiểm tra đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong quá trình lưu hành vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát chất lượng thuốc theo quy định”, TS Trương Quốc Cường chỉ đạo.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, tình trạng thuốc kém chất lượng có xu hướng ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, thuốc kém chất lượng, thuốc giả không chỉ vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân mà trong rất nhiều trường hợp, thuốc còn gây ra tác hại như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, gây kháng thuốc.

TƯỜNG LÂM


Báo cáo việc giá sữa tăng cao

Văn phòng Chính phủ vừa phát công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo gấp lên Thủ tướng thông tin về việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao.

Trước đó, dư luận đã hết sức xôn xao sau khi chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) có phóng sự phản ánh việc Bộ Y tế đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung, từ đó các sản phẩm sữa được loại khỏi danh mục hàng hóa cần phải quản lý giá và làm cho giá sữa tăng cao. Theo một bảng thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu từ 4 - 5 USD/hộp (khoảng 80.000 - 100.000 đồng), còn giá bán lẻ trên thị trường từ 400.000 - 900.000 đồng, gấp 5 - 9 lần giá nhập khẩu.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục