Chốn học đường được xem là môi trường an toàn nhất để các bậc phụ huynh gởi gắm con em. Tuy nhiên, hiện nay có không ít phụ huynh ngày ngày lo lắng cho con em mình vì môi trường an toàn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng học sinh hành xử nhau theo kiểu bạo lực, thậm chí là côn đồ, xã hội đen.
Không vừa ý nhau, đánh. Thấy chướng mắt, đánh. Giành giật bạn trai, bạn gái, đánh. Thậm chí đẹp… cũng bị đánh. Có nhiều học sinh vô cớ bị bạn đánh tức tưởi mà không biết lý do tại sao? Nhiều học sinh còn tụ tập, ăn chơi với đám bạn lêu lỏng ở ngoài trường, khi có chuyện chỉ cần một cú điện thoại lập tức đám giang hồ này sẽ có mặt trước cổng trường chờ đối tượng ra để xử.
Có thể nói bạo lực học đường gia tăng do hai nguyên nhân chính sau đây: thứ nhất là từ phía gia đình như cha mẹ hay cãi vã, đánh nhau, hay dùng bạo lực để dạy con khiến các em tiêm nhiễm. Tuy nhiên, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là các em gần gũi với Internet, những bộ phim sặc mùi bạo lực, kinh dị đẫm máu dễ dàng được download về, truyền tay nhau xem. Bên cạnh đó, nhiều trang web, blog xấu chuyên tuyên truyền khiến các em ngày càng lệch lạc, sa vào bạo lực.
Để khắc phục trước tình trạng này, về phía gia đình, không răn dạy con theo kiểu bạo lực, phải từ tốn, dùng lý lẽ để hướng các em theo cái tốt, hạn chế xảy ra xung đột trong gia đình. Đặc biệt, phải theo sát lịch học của con em để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp lêu lỏng, bỏ học, tụ tập theo đám bạn xấu. Không cho con em đua đòi sắm điện thoại di động hay tiếp xúc quá nhiều với Internet.
Về phía nhà trường, kịp thời phát hiện những trường hợp mâu thuẫn giữa học sinh có thể dẫn đến đánh nhau để ngăn chặn, trường hợp có thành phần xấu bên ngoài tham gia đánh học sinh, thì nhà trường liên hệ ngay với lực lượng công an địa phương để bắt, răn đe những đối tượng này. Có như vậy mới góp phần xây dựng văn hóa học đường cho học sinh hôm nay và mai sau.
ĐÀO TRUNG PHONG
Gia đình và nhà trường là nền tảng cho trẻ
Làm sao để mỗi học sinh thực sự có văn hóa trong nếp sống hàng ngày? Kinh nghiệm cho thấy sự giáo dục các cháu từ nhỏ trong gia đình là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Từ lúc con hết nằm nôi, chúng đã biết bắt chước cha mẹ và người xung quanh. Vì vậy, cha mẹ phải hướng thiện cho con, không hứa hão, không gây gổ trước mặt con, không chửi thề, con nói sai phải sửa, không hù dọa con, đừng nghĩ con còn nhỏ mà bỏ qua những câu nói bậy, nói hỗn. Tập cháu bé khoanh tay thưa, chào người lớn, khi gặp và khi chia tay. Khi cháu vào mẫu giáo, cha mẹ phải có trách nhiệm nhiều hơn, nên gắn với các cô nuôi dạy trẻ kiểm tra theo dõi cháu trong vui chơi, sở thích, nhất là tránh cho cháu bắt chước các thói hư tật xấu trong giao tiếp bạn bè. Chọn bạn chơi cho cháu. Chuyện này kéo dài cho đến hết bậc tiểu học.
Đừng suy nghĩ là khi giao trẻ, đưa trẻ vào trường rồi xong. Nhiều phụ huynh do bận rộn, do làm ăn xa và cả do lười biếng dạy con, đã khoán trắng cho nhà trường, quên mất là các cháu chỉ ở trường, bên thầy cô 4 - 5 tiếng một ngày 24 giờ. Thậm chí, cho các cháu đi học thêm, học hè để… mình rảnh tay!
Với thầy cô trong trường, ngoài “môi trường sạch” từ ban giám hiệu xuống tới người làm tạp vụ phải gương mẫu, thầy cô nhiều khi được học sinh nghe lời hơn cha mẹ, nên thầy cô phải giáo dục nhân cách cho các em. Từng cử chỉ, lời nói, từng xử lý sự việc trong lớp, đều nhằm định hướng suy nghĩ đúng cho các em. Nhân cách thầy cô là gương soi cho các em. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Gia đình và nhà trường là hai nơi giúp các cháu xây dựng văn hóa học đường quan trọng nhất.
TRẦN ANH TÀI