Liên tiếp xảy ra 2 vụ mẹ bạo hành nghiêm trọng với con đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trương Thị Vy (ở Bình Thuận) đã nhẫn tâm đổ xăng lên con gái 12 tuổi của mình rồi châm lửa đốt không chút xót thương, vì tội bán vé số không mang về đủ tiền. Nguyễn Thị Thơm (ở Lâm Đồng) cũng đã tưới xăng lên người con trai 13 tuổi của mình rồi châm lửa đốt, vì tội trốn học đi chơi game. Trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều vụ cha mẹ bạo hành với con như vậy. Không một lý do nào có thể biện hộ cho hành vi tàn ác với trẻ em!
Thật đáng buồn khi ở nước ta hiện nay vẫn có không ít phụ huynh quan niệm mình có “quyền sinh sát” đối với những đứa con nhỏ của mình, bất chấp luật pháp, thường xuyên dùng đòn roi đối với trẻ trong quá trình giáo dục chúng. Mỗi lần giận con là đóng cửa lại đánh một cách dã man, không cho ai được can thiệp, với suy nghĩ “con tôi, tôi đánh!”. Lẽ ra những người làm cha làm mẹ cần được phổ cập kiến thức về những quyền của trẻ em theo Công ước quốc tế, để biết rằng con cái mình cũng là con người, cũng được pháp luật bảo vệ. Chắc chắn những kẻ bất nhân như Trương Thị Vy, Nguyễn Thị Thơm... sẽ phải chịu sự trừng phạt của luật pháp. Nhưng trước hết nếu còn một chút lương tâm, chính họ phải tự thấy cắn rứt, ân hận. Làm cha mẹ, phải lo cho được cuộc sống gia đình mình, chăm sóc bảo vệ con mạnh khỏe. Đằng này, có những phụ huynh bắt con phải nghỉ học đi chăn bò, đi bán vé số, thậm chí đi ăn xin để nuôi thân. Trách nhiệm làm cha mẹ chưa tròn, lại còn uy hiếp, đánh đập, giết hại con.
Nếu phụ huynh có kiến thức về những quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có quyền được sống, phát triển và quyền được bảo vệ, thì sẽ bớt thói bạo hành với con, vì hiểu rằng đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Quyền trẻ em bao gồm các quyền cụ thể như quyền được sống và phát triển; quyền được sống cùng cha mẹ; quyền được gia đình chăm sóc và nuôi dưỡng; quyền có sức khỏe và hưởng các dịch vụ y tế; quyền được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Quyền trẻ em còn bao gồm quyền được bảo vệ khỏi sự bóc lột về kinh tế; quyền được bảo vệ khỏi sự lạm dụng ma túy; quyền được bảo vệ để không bị khai thác, lạm dụng về tình dục; quyền được bảo vệ để không bị buôn bán như hàng hóa hay bị bắt cóc; quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức bóc lột khác...
Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của nước ta năm 1991 đã mở đầu bằng câu: “Trẻ em là hạnh phúc của gia đình” và khẳng định rằng gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi nấng trẻ em. Thế mà giờ đây, môi trường gia đình lại là nơi xảy ra những vụ việc thương tâm khiến trẻ em bị hành hạ tàn nhẫn, thậm chí là bị mất mạng. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng, các tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm bảo vệ trẻ em ngay chính trong gia đình các em. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là của toàn thể chính quyền, đoàn thể địa phương và xã hội. Cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật những đối tượng có hành vi đánh đập, bạo hành, đối xử tệ bạc với trẻ em, để có biện pháp bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả.
PHƯƠNG LAN
(Biên Hòa, Đồng Nai)