Ngăn chặn thương nhân nước ngoài hoạt động trái phép

Ngang nhiên bán hàng “lậu”
Ngăn chặn thương nhân nước ngoài hoạt động trái phép

Lợi dụng chính sách ưu đãi đối với thương nhân nước ngoài, gần đây tình trạng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp gia công thường xuyên tổ chức hoạt động trái phép với quy mô lớn và hành vi táo bạo rất đáng báo động.

Lực lượng quản lý thị trường TPHCM bắt giữ 10 container hàng nhập lậu đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Lực lượng quản lý thị trường TPHCM bắt giữ 10 container hàng nhập lậu đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Ngang nhiên bán hàng “lậu”

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2013, trên địa bàn quận 12 TPHCM xảy ra trên 20 vụ tổ chức, cá nhân thương nhân nước ngoài hoạt động trái phép. Trong đó, chỉ riêng Đội Quản lý thị trường 12B phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn thu giữ số lượng lớn hàng hóa với giá trị lên đến hàng tỷ đồng, gồm phần lớn vải, quần áo các loại, máy móc, phụ kiện ngành may mặc, hóa chất…

Đơn cử mới đây, sau thời gian điều nghiên, Đội Quản lý thị trường 12B phối hợp với cơ quan chức năng quận 12 tiến hành khám xét và thu giữ số lượng lớn tang vật, trị giá hơn 170 triệu đồng đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ trái phép của Công ty TNHH May xuất khẩu S & H do bà Nguyễn Thị Thanh Hà làm chủ tịch hội đồng thành viên. Trước đó, cơ quan chức năng cũng kiểm tra và tịch thu lô hàng trị giá trên 1,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Din Sen Việt Nam cũng đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Cùng thời điểm, Đội Quản lý thị trường 12B phát hiện, kiểm tra, xử lý ông ZuZhuLi, quốc tịch Trung Quốc có hành vi tổ chức hoạt động sản xuất tái chế vải vụn trái phép tại Việt Nam với tiền phạt 25 triệu đồng; tịch thu sung công quỹ nhà nước hơn 320 tấn nguyên liệu, sản phẩm đã tái chế và trên 100 máy móc, phương tiện vi phạm có tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Nhìn chung, hầu hết các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, tang vật là hàng hóa, nguyên liệu tạm nhập khẩu nhưng lại đưa ra tiêu thụ trái phép tại thị trường Việt Nam. Khi lực lượng tiến hành kiểm tra, số hàng hóa này đều không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo quy định; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu tạm nhập khẩu để thực hiện gia công hàng  hóa cho thương nhân nước ngoài không đúng quy định…

Đáng chú ý, để đối phó với lực lượng kiểm tra, các đối tượng là thương nhân nước ngoài tổ chức hoạt động trái phép thường có các thủ đoạn đối phó rất tinh vi, trong đó, lợi dụng địa bàn rộng và “bùa” hồ sơ, đồng thời lấy cớ hàng đang trên đường vận chuyển ra làm thủ tục hải quan để chống đối, cản trở việc kiểm tra.

Mặt khác, thuê mướn người Việt Nam đứng ra thành lập doanh nghiệp; thuê kho bãi, nhà xưởng của các doanh nghiệp trong nước và núp bóng doanh nghiệp cho thuê để trực tiếp tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu lợi nhuận và trốn thuế…

“Đánh sập” thị trường nội địa

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 12B Nguyễn Ngọc Khánh Hùng cho biết, các đối tượng thương nhân nước ngoài hoạt động trái phép đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt, các đối tượng chọn địa bàn hoạt động thường không cố định, vận chuyển hàng hóa từ các hướng thuộc địa bàn Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai…

“Do hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi, trong khi lực lượng quản lý thị trường mỏng nên dù số lượng phát hiện nhiều, song vẫn chưa triệt để. Đáng nói là những loại hàng hóa này thông thường đều được ưu đãi miễn thuế để tạm nhập khẩu, nhưng lại buôn bán trái phép ra thị trường, nên nếu không kiên quyết, ngăn chặn kịp thời sẽ đánh sập thị trường trong nước. Từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách kinh tế của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Hùng lo ngại.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, để công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý đạt hiệu quả, đơn vị đã và đang đẩy mạnh công tác phối kết hợp với các ngành hữu quan, tăng cường kiểm tra quản lý địa bàn, nắm chắc hoạt động trái phép của các tổ chức, cá nhân, song song với hoàn thiện hồ sơ vụ việc, thu thập chứng cứ, lời khai khách quan có tính pháp lý cao… để xử lý chính xác, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.

Mặt khác, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin, thông qua kênh “mua tin” từ đội ngũ công nhân sản xuất, bốc xếp, tài xế vận chuyển hàng hóa cho các đối tượng vi phạm để có được nguồn tin chính xác, kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trước diễn biến phức tạp và hoạt động tinh vi, táo bạo của các đối tượng nêu trên, từ quý 4-2013, UBND quận đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, UBND quận cũng chỉ đạo cơ quan thuế thường xuyên gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp để quán triệt hiện tượng, hành vi trốn thuế và xử lý kiên quyết hành vi vi phạm. Đồng thời, thông qua đội tuyên truyền thuế khuyến cáo, đề nghị các doanh nghiệp không tiếp tay tiêu thụ hàng hóa do thương nhân nước ngoài hoạt động trái phép trên địa bàn.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục