Tháng 2 là thời hạn cuối cùng để các bên liên quan được phép kháng cáo quyết định của Tòa Thể thao quốc tế (CAS) đối với trường hợp cấm đoàn thể thao nước Nga thi đấu tại những sự kiện quốc tế và thực tế đã không có kháng cáo nào, cũng đồng nghĩa với việc thể thao Nga không được dự Olympic Tokyo 2020 và Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.
Đây là sự kiện tiêu biểu nhất về hậu quả của việc sử dụng doping - chất cấm trong thể thao đỉnh cao. Mặc dù CAS đã giảm án từ lệnh cấm 4 năm của Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) xuống chỉ còn 2 năm nhưng cũng đã thể hiện được quan điểm “nói không với doping” vốn là thông điệp xuyên suốt của phong trào thể thao thế giới.
Cuối năm 2020 vừa qua, có 2 lực sĩ trẻ cử tạ Việt Nam đã bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm vì bị phát hiện doping. Do trước đó, cũng có 2 VĐV khác dính doping trong đợt kiểm tra năm 2019 nên nhiều khả năng cử tạ Việt Nam sẽ bị cấm thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 (khởi tranh vào tháng 7 tới). Đây sẽ là sự cố vô cùng đáng tiếc khi chúng ta giành được 2 suất tham gia và cử tạ là một trong những môn hiếm hoi có tiềm năng giành được huy chương cho thể thao Việt Nam. Tính đến thời điểm này, IWF vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng với cử tạ Việt Nam, nhưng rõ ràng, nếu được tham dự, các VĐV của chúng ta cũng sẽ thi đấu trong áp lực của sự ngờ vực.
Trên thực tế, những nền thể thao chưa phát triển mạnh khi giành được quyền tham dự những đấu trường tầm cỡ như Olympic mà bất ngờ đoạt thành tích cao sẽ luôn bị nghi ngờ sử dụng chất cấm. Bên cạnh đó, một số môn có yếu tố thể lực đặc biệt như cử tạ, xe đạp, điền kinh… thường nằm trong nhóm có nguy cơ xét nghiệm thường xuyên, chặt chẽ nhất. Nên việc chỉ trong vòng 2 năm có đến 4 VĐV cử tạ bị phát hiện sử dụng chất cấm rõ ràng là chuyện không thể xem là “tai nạn”. Tất nhiên, lãnh đạo của ngành thể thao Việt Nam luôn quyết liệt chống doping. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Thế nhưng, trong bối cảnh thể thao Việt Nam vẫn hoạt động với kinh phí eo hẹp, việc tập luyện còn gặp nhiều khó khăn thì công tác phòng chống doping thực sự nan giải, phụ thuộc lớn vào ý thức của từng VĐV, thậm chí là cả kiến thức trong việc sử dụng chất dinh dưỡng hỗ trợ việc luyện tập hàng ngày.
Doping là một vấn nạn và hậu quả của nó thường rất nghiêm trọng. Doping cũng không chừa một nền thể thao nào, kể cả những quốc gia phát triển hay thậm chí là những siêu sao thế giới. Nhưng tác hại của nó với những nền thể thao nhỏ, đang phát triển bao giờ cũng nặng nề hơn, vì thế cần phải có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Chi phí cho việc kiểm tra, xét nghiệm doping rất cao trong khi động cơ, mục đích sử dụng doping lại muôn hình vạn trạng nên với thể thao Việt Nam, cách tốt nhất vẫn là giáo dục VĐV cũng như tăng cường giám sát, đồng thời phải chính thức áp dụng hình thức kiểm tra doping tại các giải thể thao đỉnh cao trong nước, đặc biệt là cho nhóm môn nhạy cảm như cử tạ, xe đạp, điền kinh, bơi lội, thể dục…