Hàng chục năm qua là thời kỳ hoàng kim của một nhóm nhỏ các ngân hàng châu Âu và Mỹ khi họ thống trị nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên hiện nay, các ngân hàng châu Á đang leo dần lên vị trí của những nhà cho vay toàn cầu hàng đầu trong khi các ngân hàng Mỹ và châu Âu bắt đầu trượt dốc.
Các dữ liệu của hãng Thomson Reuters cho biết từ năm 2007 đến năm 2013, tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật Bản đã leo từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 7 trong danh sách các ngân hàng cho vay toàn cầu. Cũng trong giai đoạn này, ngân hàng Trung Quốc nhảy vọt từ vị trí 124 đến vị trí thứ 29. Ngược lại, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng toàn cầu hàng đầu đến từ vương quốc Anh, đã rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 8, trong khi ngân hàng ING của Hà Lan cũng trượt từ thứ tự 13 xuống 20. Còn các ngân hàng Mỹ - từng là tâm chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính - chỉ mới phục hồi. Các đối tác của họ ở châu Âu, chiếm đa số những nhà cho vay toàn cầu, vẫn còn trong quá trình giảm nợ kéo dài.
Sự rút lui của các ngân hàng phương Tây khỏi thị trường cho vay quốc tế sau cơn địa chấn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008 là nhân tố lớn nhất giải thích cho sự hiện diện ở nước ngoài ngày càng gia tăng của các ngân hàng châu Á. Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi ngôi này là khả năng thanh khoản dư thừa của các ngân hàng châu Á. Ở Nhật, nó là kết quả của chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài hơn một thập kỷ, bắt đầu từ năm 2001. Từ năm 2002 đến quý 2-2013, cho vay nước ngoài của Nhật đã tăng gấp đôi, lên đến 3.000 tỷ USD. Ở Trung Quốc, các khoản cho vay nước ngoài của 5 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2010.
Theo Eastasiaforum, vai trò ngày càng tăng của các ngân hàng châu Á trên thị trường cho vay quốc tế là một hiện tượng tương đối mới. Đó chắc chắn là tin tốt cho khát vọng toàn cầu bấy lâu nay của các ngân hàng châu Á. Nhưng quan trọng hơn, nó có thể tác động tích cực đến sự ổn định tài chính toàn cầu. Trước hết, sự tham gia của các ngân hàng châu Á trong cộng đồng cho vay quốc tế giúp tăng cường sự ổn định tài chính trong khu vực. So với cho vay trong nước, cho vay quốc tế minh bạch và cạnh tranh hơn, buộc các ngân hàng châu Á phải theo các quy luật thị trường. Cho vay thêm ở thị trường nước ngoài giúp các ngân hàng châu Á cân đối được biến động từ thị trường trong nước. Một lĩnh vực ngân hàng cạnh tranh toàn cầu sẽ giúp xây dựng một ngành công nghiệp tài chính châu Á mạnh mẽ và kiên cường hơn, trở thành một phần quan trọng của hệ thống toàn cầu.
Thứ hai, các khoản tín dụng từ các ngân hàng châu Á có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các nguồn vốn toàn cầu. Bài học quý giá từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây là cú sốc thanh khoản lây lan xuyên biên giới dưới mọi hình thức là chìa khóa để ngăn chặn leo thang và lan rộng. Sự cần thiết cho dòng tín dụng thay thế sẽ trở nên cấp bách và nguồn tài chính do các ngân hàng châu Á cung cấp sẽ là một lực lượng ổn định thị trường tài chính thế giới.
Tuy nhiên, rủi ro tín dụng liên quan đến cho vay nước ngoài không bao giờ nên đánh giá thấp. Đánh giá và quản lý một loạt các rủi ro mới lạ đòi hỏi một trình độ mới hoàn toàn về kiến thức và năng lực. Các ngân hàng châu Á sẽ không thể hòa nhập vào các ngân hàng toàn cầu mà không qua phép thử này. Nếu họ làm được, không có lý do gì tại sao các ngân hàng châu Á không thể trở thành một lực lượng cho sự tăng trưởng và ổn định trong bối cảnh tài chính mới.
HẠNH CHI