
Thế giới đang chạy đua nghiên cứu những liệu pháp chữa trị hiệu quả hơn bệnh tật cho con người. Trong đó tế bào gốc được xem là giải pháp của tương lai. Mới đây chính phủ Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ phát triển tế bào gốc trong điều trị bệnh tật. Còn Việt Nam cũng đã tiếp cận và có thành quả hữu ích.
Cơ hội cho bệnh nhân

Hệ thống lưu trữ đông lạnh tự động mẫu máu cuống rốn tại BV Truyền máu và huyết học TPHCM lưu trữ được 3.626 mẫu. Ảnh: C.T.V.
Được thành lập từ năm 2001 và chính thức triển khai vào năm 2004, Ngân hàng máu cuống rốn BV Truyền máu và huyết học TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào điều trị.
Đến nay, Ngân hàng máu cuống rốn BV Truyền máu và huyết học TPHCM đã chọn lọc, xử lý và lưu trữ được trên 1.900 mẫu máu cuống rốn từ nguồn hiến tặng vô danh, tiến hành cấy ghép lâm sàng thành công cho 8 trường hợp bị bệnh thiếu máu, ung thư máu, bạch cầu cấp và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị khác.
Mới đây, Ngân hàng tế bào gốc dây cuống rốn MekoStem của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar cũng đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Ngân hàng này cũng chủ trương tiếp nhận màng lót, máu dây cuống rốn của trẻ sơ sinh nhằm bảo quản, phục vụ chữa trị bệnh về sau.
TS-BS Lê Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Miễn dịch học - Học viện quân y phụ trách kỹ thuật của MekoStem cho biết, nguồn tế bào gốc thực ra là những bộ phận trên cơ thể như cuống rốn, da, giác mạc..., nay được sử dụng lại một phần để đưa vào điều trị bệnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, được dùng phổ biến nhất và thành công nhất trên thế giới là tế bào gốc tạo máu được lấy từ máu cuống rốn để điều trị các bệnh về máu và cơ quan tạo máu. Với các thiết bị hiện đại, tế bào gốc máu cuống rốn được lưu giữ kéo dài trong 20 năm vẫn có thể sử dụng được.
Trước đó, Bệnh viện Ngọc Tâm, BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn cũng đã phác thảo những dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài xây dựng ngân hàng máu cuống rốn - tế bào gốc tại TPHCM với mong muốn lưu giữ màng lót hoặc máu cuống rốn em bé để bảo quản, lấy tế bào gốc để ghép, điều trị bệnh về sau.
Dây cuống rốn- đừng bỏ phí
Nếu như lâu nay cuống rốn trẻ sơ sinh thường được bỏ đi sau khi sinh thì nay các chuyên gia y tế, nhất là các ngân hàng tế bào gốc khuyến khích lưu giữ lại. BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc BV Truyền máu và huyết học TPHCM cho rằng tế bào gốc từ máu cuống rốn qua công nghệ xử lý sẽ tạo ra các tế bào máu, tế bào mỡ, tế bào cơ tim, tế bào thần kinh, tế bào tụy, tế bào gan... có khả năng chữa trị cho nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên, hiện BV Truyền máu và huyết học TPHCM mới chỉ biệt hóa máu cuống rốn để điều trị các bệnh máu ác tính. Trong tương lai gần, loại tế bào gốc này có thể được ứng dụng để điều trị các bệnh lý về não, thần kinh, tim mạch, tiểu đường, gan...
Điều đáng nói, theo bác sĩ Bỉnh, không chỉ lưu trữ máu cuống rốn cho đứa trẻ là chủ nhân của dây rốn nhằm bảo đảm trong tương lai nếu bé không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị, mà còn cho cả người thân của trẻ.
Thậm chí do tế bào cuống rốn còn non chưa biệt hóa nhiều về mặt miễn dịch, nên hiệu quả ghép cho người có những yếu tố bất đồng về miễn dịch (HLA) cũng tương đương với người tương đồng HLA. Nhưng xác suất này rất thấp nếu một ngân hàng tế bào gốc chưa lưu trữ ít nhất 10.000 mẫu máu cuống rốn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Bỉnh không phải sản phụ nào cũng có thể gửi lại máu cuống rốn bởi yêu cầu tiêu chuẩn của mẫu máu là sản phụ không bị viêm gan siêu vi, HIV, mắc các bệnh lây lan qua đường máu. Mẫu máu cuống rốn được lấy trên dây rốn liền với bánh nhau ngay sau khi bé sinh ra với đòi hỏi phải đủ thể tích từ 80ml trở lên.
Sau khi xử lý mẫu máu cô đặc lại khoảng 24ml chứa tế bào gốc tạo máu và đông lạnh trong nitơ lỏng âm 196°C. Trong khi đó, TS-BS Lê Văn Đông cho biết một dây rốn có diện tích 330cm2, sau khi được nuôi trong ống nghiệm 3 tuần, sẽ thu được 6 tỷ tế bào dùng để điều trị bệnh. Từ đó có thể biệt hóa thành các loại tế bào da, xương, sụn, mô…
Ghi nhận những hữu ích trong điều trị bệnh từ tế bào gốc máu cuống rốn, nhiều gia đình đã liên hệ với các cơ sở y tế để được “bảo hiểm” cho sức khỏe con em họ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, đến nay Ngân hàng máu cuống rốn của BV Truyền máu và huyết học TPHCM chưa triển khai dịch vụ này mà phải đợi đến khoảng tháng 6-2009, khi khánh thành Ngân hàng máu mới.
Tuy vậy, những trường hợp sản phụ sinh em bé bị bệnh di truyền bẩm sinh về máu hoặc bệnh ác tính huyết học, BV sẽ tiếp nhận máu cuống rốn của bé kế tiếp (nếu sản phụ sinh thêm và có yêu cầu) để lưu giữ và biệt hóa tế bào gốc nhằm chữa trị cho bé trước với chi phí khoảng 16 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng tế bào gốc MekoStem cũng triển khai dịch vụ lưu trữ máu cuống rốn với chi phí khoảng 800 - 2.500 USD.
* Các đơn vị tư vấn, sàng lọc và thu thập máu cuống rốn: BV Phụ sản Từ Dũ, BV Phụ sản Hùng Vương, BV An Sinh, BV Truyền máu và huyết học TPHCM… * Các cơ sở ứng dụng tế bào gốc vào điều trị: Bệnh viện Truyền máu và huyết học TPHCM, BV An Sinh, BV Tai Mũi Họng TPHCM, BV Y học cổ truyền Trung ương, Viện Bỏng quốc gia… |
TƯỜNG LÂM