Giải quyết vấn đề “nóng”… không tốn nhiều tiền
47 ý tưởng, đề án, kiến nghị hiến kế của chuyên gia, trí thức kiều bào là kết quả tổ chức thành công hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” (vào tháng 11-2016). Ngay sau đó, “Ngân hàng ý tưởng” kiều bào được hình thành. Đây là những sáng kiến và đóng góp tâm huyết ở nhiều lĩnh vực của chuyên gia, trí thức kiều bào với mục đích cùng chung tay giải quyết đột phá các vấn đề “nóng” của TP, đem đến cho TP xung lực mới trên con đường chinh phục mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Cùng xây dựng TPHCM trở thành TP thông minh, TS Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào Canada) phân tích, trong TP thông minh, công nghệ thông tin và truyền thông không dây tốc độ cao kết hợp với dữ liệu lớn sẽ được ứng dụng tối đa để cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền và nâng cao chất lượng sống của người dân. TS Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu về đồng hồ nước thông minh do những kỹ sư trẻ trong công ty khởi nghiệp của ông nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Đồng hồ nước thông minh nhỏ gọn, tự động gửi thông tin số lượng nước sử dụng hoặc bị rò rỉ hàng giờ qua mạng truyền thông không dây. Người dân có thể biết lượng nước sử dụng, nước thất thoát, thanh toán tiền nước ở mọi lúc mọi nơi; công ty cấp nước sẽ quản lý và phân phối nước hiệu quả hơn, không cần tốn công lao động đi ghi số nước tại từng căn nhà. “Đây là sản phẩm 100% do người Việt Nam chế tạo, có đăng ký bản quyền sáng chế ở Việt Nam và nhiều quốc gia”, TS Nguyễn Thanh Mỹ tự hào và ông sẵn sàng đóng góp cho TP sáng kiến thiết thực này.
Cũng dấn thân cùng TPHCM xây dựng TP thông minh bằng cách quản lý thông minh, TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật) bày tỏ, ông sẵn sàng hỗ trợ TP “giải quyết kẹt xe bằng trí tuệ con người Việt Nam, có kế thừa trí tuệ nhân loại”. Ông chia sẻ về một hệ thống thống kê, tính toán, nhận diện các loại phương tiện lưu thông cả 2 chiều; phân tích cụ thể từng loại xe; có khả năng đếm xe trong bóng tối, nhận diện người đi xe máy không đội nón bảo hiểm; phát hiện xe ngừng di chuyển giữa đường… Hệ thống còn phân tích hình ảnh và tính toán ra loại xe nào, giờ phút nào xuất hiện nhiều trên đường; kẹt xe cấp độ nào và chỉ ra khuynh hướng lưu thông từng thời điểm ban đêm, ban ngày, ngày mưa, ngày lễ… Theo TS Nguyễn Trí Dũng, từ đó, TP hoàn toàn điều chỉnh lưu lượng xe đi lại và góp phần giải quyết kẹt xe bằng thông tin - một giải pháp “không hề tốn nhiều tiền”.
Lấy kinh nghiệm từ hệ sinh thái đã giúp TP Cambridge (Vương quốc Anh) thành công và trở thành một “hiện tượng” có nền kinh tế tri thức hàng đầu thế giới, có một trong 3 khu công nghệ cao lớn nhất thế giới, GS Nguyễn Đăng Bằng (Việt kiều Anh) chia sẻ các biện pháp có thể áp dụng để xây dựng kinh tế tri thức ở TPHCM. Ông đề xuất TP xây dựng một nơi nghiên cứu mới hoàn toàn, quy mô không cần lớn, để làm trung tâm nghiên cứu và là hạt nhân công nghệ. Nơi đây tập trung vào mũi nhọn: công nghệ sinh học, phần mềm và trí tuệ nhân tạo, vật liệu cao cấp, điện tử, cơ khí chính xác - chế tạo máy. Với tâm huyết của mình, GS Nguyễn Đăng Bằng đã xung phong làm cầu nối, kết nối Trường Đại học Cambridge hoặc một trong các tổ chức của trường có thể trực tiếp cung cấp kinh nghiệm, hỗ trợ TPHCM trong các khâu, các giai đoạn cụ thể.
Tốc độ thực hiện chậm
Ngay sau khi có “Ngân hàng ý tưởng” kiều bào, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các sở ngành chức năng, nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện. Song, sau 1,5 năm, đến nay giải pháp góp phần giải quyết kẹt xe bằng thông tin chưa rõ sẽ được tiếp nhận, thực tế hóa như thế nào? Việc áp dụng đồng hồ nước thông minh vẫn ở nơi xa lắm! Việc giảng dạy kinh tế tài chính quốc tế, mời các trí thức kiều bào giảng dạy, đào tạo tự chủ tài chính, giúp sinh viên tiếp cận tri thức toàn cầu - “du học” ngay ở Việt Nam - vẫn đang ở giai đoạn giao sở, ngành kết nối với một trường đại học thực hiện. Các bước đi thành lập trung tâm sáng tạo khởi nghiệp cũng vậy, chưa tiến triển nhanh. Các kiều bào cũng gợi ý cần định vị thương hiệu của TPHCM là gì, để khi nhắc đến TPHCM là lập tức người trong và ngoài nước nhận diện được ngay thế mạnh nổi bật, nhưng đến nay, câu hỏi này cũng chưa có đáp án rõ ràng.
Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, nhìn nhận tốc độ hiện thực hóa các ý tưởng, hiến kế của kiều bào không nhanh như kỳ vọng. Trong bối cảnh đang thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ông Trần Hòa Phương cũng mong muốn các sở, ngành quan tâm thực hiện những ý tưởng, hiến kế của kiều bào. Cái gì làm được cần làm ngay, tạo ra bước tiến nhất định để khẳng định quyết tâm của TP và tạo hứng khởi cho các chuyên gia, trí thức kiều bào. “Nếu việc thực hiện chậm trễ, sẽ rất khó tiếp tục thu hút sự đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào”, ông Phương lo ngại. Trước tình hình trên, ông Trần Hòa Phương cho biết, năm 2018, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và các sở, ngành sẽ tích cực đeo bám, tiếp tục gặp gỡ lắng nghe kiều bào và có giải pháp biến đề án, ý tưởng của kiều bào thành hiện thực, đi vào cuộc sống, để xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo GS Dương Nguyên Vũ (kiều bào Pháp), có 4 việc mà đông đảo kiều bào tâm huyết và đề nghị TPHCM cần làm ngay: Hình thành các tổ công tác nghiên cứu về TP thông minh, về chiến lược giáo dục - đào tạo, ứng dụng công nghệ cho đời sống, đổi mới sáng tạo… Từ đó, thiết lập các nhóm nghiên cứu của các kiều bào về các chủ đề trên. TP cần thành lập tổ công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế để những đóng góp trên được thực thi và tạo điều kiện tốt nhất để kiều bào về đóng góp. Đồng thời, giao trách nhiệm cho hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam làm đầu mối chủ trì tiếp thu các ý tưởng, tập hợp các chuyên gia để đề xuất các dự án mang tính đổi mới, đột phá, nhằm cùng chính quyền và nhân dân TP tăng tốc xây dựng TPHCM phát triển.