Ngăn ngừa “ma men” dịp lễ, tết

Năm hết Tết đến là thời điểm gia tăng tiêu thụ rượu bia, đồng nghĩa tồn tại khả năng cao có nhiều người đã uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông ra đường.

Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: CAO THĂNG
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: CAO THĂNG

Bùng phát theo mùa vụ

Theo nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về mức tiêu thụ rượu bia của người dân TPHCM nhưng theo số liệu của Sở Công thương TPHCM, chỉ riêng trong các dịp Tết Nguyên đán, thị trường thành phố đã tiêu thụ hơn 40 triệu lít bia. Từ thực tế này, Ban ATGT cảnh báo, nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt để kiểm soát thì tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến việc sử dụng rượu bia có nguy cơ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, trước mắt là Tết Dương lịch và tiếp theo là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Số liệu thống kê từ ngành chức năng cũng cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ TNGT do nguyên nhân sử dụng rượu bia chiếm khoảng 6%-9% trong tổng số vụ. Năm 2018, có 25.589 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý và con số đó của năm ngoái cũng xấp xỉ, tức là không hề giảm.

Trên thực tế, một bộ phận người tham gia giao thông chưa ý thức đầy đủ hành vi sau khi đã sử dụng rượu bia, chất kích thích rồi điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hành chính bằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nếu gây ra TNGT làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người khác thì sẽ bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Ở góc độ xã hội, có thể thấy việc tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia là một vấn nạn với nhiều hệ lụy: người chết, người bị thương, thiệt hại hư hao tài sản… Điều đáng buồn là có khi người chịu thương vong lại là người chấp hành đúng luật giao thông, tức là họ bị vạ lây do người điều khiển giao thông đã uống rượu, bia gây ra. Tuyên truyền, giáo dục nếu được làm tốt, làm sâu rộng sẽ giúp chuyển biến được những nhận thức không đúng đắn nêu trên.

Trong công tác này, cần có các giải pháp hỗ trợ mang tính kỹ thuật, như: tăng cường giáo dục nhằm làm thay đổi hành vi với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động; khuyến cáo người điều khiển phương tiện về định lượng, thời gian sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền về quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn trong máu, hơi thở. Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu tại các địa điểm kinh doanh có liên quan đến rượu bia, tại các bãi giữ xe và trên các tuyến đường có kinh doanh rượu bia.

Bên cạnh các quy định về quảng cáo rượu bia, có lẽ cơ quan thẩm quyền cũng cần quy định thêm về việc nhà sản xuất rượu bia phải dán các khẩu hiệu, quy định ngay trên bao bì sản phẩm, những câu khuyến cáo như “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, “Lái xe sau khi sử dụng rượu bia có thể dẫn đến TNGT” hoặc “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”…

Một trong những đề án mà TPHCM đang thiết lập để thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố, đó là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia ở TPHCM là một giải pháp nhằm điều chỉnh hành vi, điều tiết, hạn chế tác hại của rượu bia. Mục đích quan trọng của việc tăng thuế là nhằm giảm dần mức tiêu thụ rượu bia. Giảm lượng tiêu thụ rượu bia cũng đồng nghĩa giảm chi phí sinh hoạt của người dân, giảm chi phí liên quan đến TNGT và điều trị.

Chế tài nghiêm

Một vấn đề cũng được gióng lên thời gian qua là việc chế tài như thế nào để giúp giảm thiểu tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu bia, bởi vì chế tài phải đủ sức răn đe thì mới mong phát huy tác dụng.

Theo luật pháp Việt Nam, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu bia, tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính nặng và treo bằng lái. Vẫn theo quy định của pháp luật, việc gây ra tai nạn trong trường hợp đã dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác không phải là tình tiết để loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, kể cả trong tình trạng say đến mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Trong số các tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, không có tình tiết giảm nhẹ nào cho trường hợp say rượu, bia. Trái lại, người phạm tội còn có thể bị truy tố ở khung tăng nặng đối với hành vi phạm tội mà mình gây ra khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Quy định này nhằm phòng chống, ngăn ngừa tội phạm lợi dụng tình trạng say rượu, bia và các chất kích thích khác để thực hiện hoặc gây ra tội phạm.

Không riêng gì Việt Nam, các nước trên thế giới cũng có những quy định rất nghiêm để ngăn chặn, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Tại Singapore, mức phạt dành cho người bị kết tội lái xe trong lúc say rượu lên đến 5.000 SGD, tương đương hơn 80 triệu đồng và/hoặc mức phạt tù 6 tháng. Ở Nhật Bản, từ năm 2007, luật pháp nước này lần đầu tiên áp dụng các hình phạt, bao gồm cả án tù, cho những người cung cấp rượu bia hoặc phương tiện cho những lái xe đang say xỉn. Thậm chí cũng phạt luôn cả người ngồi trên xe mà biết rằng tài xế có uống rượu bia trước đó.

Thái Lan thì cho những người từng bị kết tội lái xe khi say xỉn hoặc có ảnh hưởng bởi rượu bia đi tham quan nhà xác, nhìn những chiếc quan tài. Trong những thời điểm đặc biệt, những tài xế từng say xỉn có thể còn bị đặt trong tình trạng giám sát, phải tham gia lao động công ích hoặc chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn trong bệnh viện.

Tại Mỹ, tùy vào quy định của từng bang, nhưng một vài ly rượu trong buổi tiệc gia đình có thể kéo theo nhiều phiền toái: một đêm trong nhà giam của sở cảnh sát chờ thân nhân đến bảo lãnh, những phiên tòa sau đó, 45 ngày bị treo bằng lái, phải tham gia khóa học “giáo dục về cồn” kéo dài mấy tháng và một năm bị giám sát. Kèm theo đó là những khoản tiền phải chi ra: tiền phạt, tiền lấy lại xe bị giữ, tiền án phí, tiền đóng cho khóa học, tiền nhận lại bằng lái…

Cũng cần xác định rõ rằng sử dụng rượu bia, chất kích thích rồi phóng xe gây tai nạn là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, sẽ bị xử lý nghiêm minh. Người dân cần hiểu rằng một khi lái xe sau khi uống rượu bia, người điều khiển phương tiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ: ngồi tù, bị tước bằng lái hoặc mức nhẹ hơn là phải đóng tiền phạt.

Những vi phạm quy định giao thông thường xảy ra do thiếu ý thức như: điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ tại giao lộ khi không có CSGT đứng chốt, chạy xe lên vỉa hè, chở hàng hóa cồng kềnh bằng xe thô sơ chạy ngông nghênh trên đường phố, người đi bộ băng qua đường tùy tiện thay vì đi đúng vào vạch sơn dành cho người đi bộ…

Khi phân tích về nguyên nhân các vụ TNGT, một trong những nguyên nhân đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe tải, container.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TPHCM, các vụ TNGT xảy ra gây tổn thất nhân mạng nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân như: lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Trên tất cả, có đến hơn 70% số vụ TNGT là có liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.

Tin cùng chuyên mục