Ngăn ngừa tai nạn do chó thả rông

Triển khai Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý chó thả rông không rọ mõm, không xích cổ, không tiêm phòng bệnh dại, TPHCM đã quyết liệt thành lập các biệt đội săn bắt chó thả rông. Nhờ vậy, tình trạng chó thả rông giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau đó, trách nhiệm bắt chó thả rông được đưa về các quận huyện thực hiện nên thiếu sự đồng bộ; tình trạng chó thả rông tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến môi sinh và an nguy của người dân. 

Gây ô nhiễm, nguy hiểm 

Khu dân cư Nam Long (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) lâu nay được đánh giá là văn minh, lịch sự nhưng sau này cứ sáng sớm và chiều muộn, rất nhiều người thả chó ra công viên nội khu dạo chơi mà không hề rọ mõm, phóng uế bừa bãi. Mặc dù công viên được lắp đặt dụng cụ tập thể dục, thể thao nhưng cũng ít người ra tập vì nước tiểu, phân chó bốc mùi hôi thối. Ngay cả những hộ gia đình có trẻ nhỏ cũng không dám cho con ra công viên chơi vì sợ chó cắn, hoặc giẫm phải phân chó.

Dọc công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đầy rẫy phân chó, do người dân cho thú cưng của mình ra phóng uế.

Ông Lê Văn Đặng (61 tuổi, nhà ở đường Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh) cho biết: “Sáng nào tôi cũng tranh thủ ra công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tập thể dục, nhưng di chuyển rất khó khăn do trên lối đi quá nhiều chất thải của chó”…

Không chỉ công viên hay dọc các mảng xanh trong khu dân cư, mà ngay tại nhiều chung cư, nhà dân cũng thường xuyên bị chó thả rông gây ô nhiễm. 

Ngăn ngừa tai nạn do chó thả rông ảnh 1 Người dân dắt chó ra công viên cặp bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trên đường Nguyễn Ngọc Phương, phường 19, quận Bình Thạnh) phóng uế

Ngoài lây nhiễm bệnh dại, nhiều vụ tai nạn thương tâm do chó thả rông cắn vẫn thường xuyên xảy ra. Đau lòng nhất là mới đây, Công an quận Tân Bình (TPHCM) đã phải bắt giữ V.V.Q. (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình) để điều tra về hành vi đâm chết người, mà nguyên nhân xuất phát từ việc Q. bị chó cắn.

Theo điều tra, Q. đang phụ bán quán cơm ở đường Hoàng Văn Thụ (phường 2, quận Tân Bình) thì bị chó của ông N.X.N. (67 tuổi, nhà ở gần đó) chạy đến cắn vào tay. Q. rượt đuổi thì con chó chạy vào nhà chủ. Người trong nhà ông N. lớn tiếng chửi mắng Q. vì đuổi chó nhà mình. Bực tức, Q. chạy về nhà lấy dao xếp quay lại gây sự và trong lúc xô xát đã đâm trúng ngực ông N. gây tử vong… Ghi nhận cho thấy, tình trạng chó không được xích cổ, rọ mõm thả rông vẫn phổ biến trên nhiều địa bàn, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ nhỏ.

Thiếu giám sát

Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, việc tiếp nhận và xử lý chó thả rông, chó dại là trách nhiệm của Tổ săn bắt chó thả rông trực thuộc Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y TPHCM.

Kể từ ngày 15-9-2017, việc tiếp nhận thông tin và ra quyết định xử phạt được chuyển giao về cho chính quyền địa phương nên Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (số 252 Lý Chính Thắng, quận 3, TPHCM, hiện đổi tên thành Phòng Chăn nuôi và dịch tễ) - nơi đóng quân của Tổ săn bắt chó thả rông trước đây… vắng lặng!

Các gậy chuyên dùng bắt chó treo chỏng chơ trên nóc dãy chuồng. Bác sĩ Trụ, cán bộ của đơn vị, cho biết: “Tổ săn bắt chó thả rông đã giải tán gần 3 năm nay. Các thành viên trong tổ đã nghỉ việc và đang làm nhiều ngành, nghề khác nhau; cũng không có anh em nào làm việc tại các đội bắt chó thả rông ở quận huyện”. 

Được phân cấp, các quận huyện đã thành lập lực lượng bắt chó thả rông trực thuộc đội quản lý trật tự đô thị, được tập huấn kỹ thuật bắt chó, nhưng theo một số cán bộ, việc bắt chó thả rông đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND phường 2, quận Bình Thạnh, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện và xử lý một số trường hợp chó thả rông. Tuy nhiên, công việc tại địa phương rất nhiều. Do vậy, chính quyền địa phương khó có thể giải quyết dứt điểm thực trạng này”.

Thực tế, việc thành lập đội bắt chó thả rông ở quận huyện khá tốn kém. Bởi lẽ, mỗi đội phải quy hoạch bao nhiêu nhân lực, đó là chưa kể theo quy định nếu sau 72 giờ, chủ chó không thực hiện việc đóng phạt, chó sẽ bị tiêu hủy. Do vậy, mỗi tổ phải có chuồng, trại để nhốt chó, xe chuyên dùng…

Ngoài ra, việc bắt chó thả rông đòi hỏi kỹ thuật nhưng không phải ai cũng đạt yêu cầu. Khó khăn, hạn chế nên hiện chỉ còn một số ít quận huyện tại TPHCM duy trì đội bắt chó thả rông. 

Để ngăn ngừa các tình huống nguy hiểm tiếp tục xảy ra, đồng thời giữ gìn văn minh đô thị, nhiều người dân cho rằng, bên cạnh việc chính quyền phường xã thống kê bắt buộc người nuôi chó làm bản cam kết không thả chó ra đường phóng uế bừa bãi, tiêm ngừa cho chó, cần lập “đội phản ứng nhanh” và công khai rộng rãi đường dây nóng xử lý, ngay khi nhận được phản ánh của người dân.

Thành phố cũng xem xét tái lập đội săn bắt chó thả rông trực thuộc Chi cục Thú y; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi để người dân chủ động phòng ngừa, chụp ảnh chó phóng uế bừa bãi làm chứng cứ xử phạt và thông báo đến chính quyền. Mặt khác, Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP, tăng cường các hành vi, chế tài nghiêm khắc và răn đe hơn.

Điểm b, khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền 700.000 đồng về hành vi không tiêm phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; phạt tiền 700.000 đồng về hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.  

Tin cùng chuyên mục