Đây là cảnh báo của nhiều DN bên lề Hội thảo “Công nghiệp Bao bì Việt Nam - Tầm nhìn 2020: Xu hướng mới - Xung lực mới” do Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas) và Rieckermann đồng tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM.
Doanh nghiệp bao bì trong nước đang chịu sức ép bị thâu tóm. Ảnh: CAO THĂNG
Ít được hỗ trợ
Trong những năm qua, lĩnh vực bao bì đóng gói luôn có mức tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm và là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản, thúc đẩy thương mại hàng hóa. Đặc biệt, xu hướng bao bì hiện nay đòi hỏi phải mỏng, nhẹ, thân thiện với môi trường, thiết kế và in ấn đẹp mắt, ấn tượng. Bao bì thông minh với hình mờ kỹ thuật số và mã vô hình có thể được quét bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng (và các nhà bán lẻ) đang trở nên phổ biến rộng rãi...
Bên cạnh đó, thị trường còn đỏi hỏi các DN hoạt động trong ngành phải không ngừng nghiên cứu, sáng tạo độc đáo và hiệu quả hơn nữa; cá nhân hóa và tương tác.
“Cá nhân hóa và tương tác là xu hướng tất yếu, đặc trưng của bao bì. Kỹ thuật số không chỉ là in, đó là một hệ thống các giải pháp từ trước in, in, đến sau in; không chỉ áp dụng cho in mà còn cho bao bì, kể cả bao bì mềm, nhãn hàng. Kỹ thuật số không chỉ là phương pháp in mà còn cho cả quản trị in, marketing in… từ chuỗi giá trị đến việc hình thành thị trường mới”, ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Vinpas, phân tích.
Mặc dù đóng vai trò khá quan trọng trong việc thúc đẩy sản phẩm nói riêng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung của đất nước, nhưng DN trong nước hoạt động ngành này gần như bị bỏ rơi, rất ít được hỗ trợ về mặt chính sách.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sang, đến nay vẫn chưa được cấp mã ngành kinh doanh riêng, bị đánh giá là nhỏ lẻ và dường như không có chính sách ưu đãi cần thiết để phát triển ngành. Do đó, hiện ở thị trường trong nước không có công tác thống kê chính thống về phát triển cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn về ngành. Trong khi đó, với dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong thời gian tới, nên Việt Nam thu hút khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư; trong đó, đáng chú ý là đầu tư theo hình thức thâu tóm, mua lại DN trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ trọng sản phẩm bao bì cung cấp của DN có vốn đầu tư nước ngoài ở thị trường trong nước cũng tăng dần trong những năm gần đây. Và xét một số khía cạnh về năng lực cạnh tranh, nguyên liệu sản xuất..., DN nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội.
“Những năm gần đây, các DN đầu tư nước ngoài bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua DN trong nước đã rót vốn vào đầu tư khá mạnh. Tính đến nay, DN nước ngoài chiếm trên 40% thị trường bao bì Việt Nam”, đại diện Vinpas cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sang, giải pháp căn cơ hiện nay để giúp DN trong nước “sống chung” với “cuộc xâm lấn” của DN ngoại là phải có ý chí mạnh mẽ vươn lên làm chủ cuộc chơi. DN phải linh hoạt và nhanh chóng hiểu được bản chất của cái mới; quản trị có hệ thống, nguồn nhân lực được huấn luyện một cách bài bản, kiên trì; nhanh chóng áp dụng công nghệ, thiết bị mới như một nhu cầu tất yếu.
Căng thẳng nguồn nguyên liệu
Không chỉ chịu sức ép bị thâu tóm, các DN bao bì giấy trong nước hiện đang thiếu nguồn nguyên liệu nghiêm trọng, dẫn đến giá giấy làm bao bì tăng hàng ngày; mức tăng đến nay đã khoảng trên 15% và dự báo vẫn còn tăng. Đặc biêt, ở phân khúc thị trường giấy viết, giấy in báo giá đang tăng chóng mặt vì nguồn cung thiếu, từ nguyên liệu đến giấy thành phẩm.
Giải thích về tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu giấy thời gian gần đây, đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, nguyên nhân do Trung Quốc ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất và đóng cửa hàng loạt cơ sở sản xuất để các cơ sở này hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn mới được hoạt động trở lại. Những chính sách mới của Trung Quốc trong việc quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và kiểm soát ô nhiễm đã tác động tới thị trường Việt Nam như khan hiếm giấy làm bao bì. Các nhà máy giấy chạy hết công suất vẫn không có giấy để thoả mãn nhu cầu của khách hàng nội địa và ở nước ngoài, khiến giá giấy các loại tăng mạnh trong thời gian qua.
Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy các loại từ Trung Quốc ước trên 600 triệu USD (nhập khẩu chung từ các nước có tổng kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 2,5 tỷ USD). Ngoài ra, cũng do tác động từ chính sách mới của Trung Quốc, cuối năm 2017 đến nay, DN trong ngành bị các DN Trung Quốc tranh mua nguyên liệu và cả giấy thành phẩm. Điều đó càng khiến nguồn cung của ngành giấy rơi vào tình trạng căng thẳng.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng nhập khẩu của ngành giấy còn cao do các DN trong nước chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm nguyên liệu giấy thành phẩm. Nhất là chưa có đủ dây chuyền để sản xuất bột giấy từ gỗ. Hiện tại, đa số phải xuất gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất ra giấy thành phẩm. Thêm vào đó, nguồn gỗ thô nguyên liệu, dù đã được bổ sung các loại rừng trồng nhưng vẫn chưa nhiều.
Vì vậy, để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường.
Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa người dân với DN, cũng như các DN trong ngành phải liên kết với nhau mới có thể hy vọng phát triển nhanh vùng nguyên liệu tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao.