Ngành chăm sóc sắc đẹp lên ngôi

Những năm gần đây, ngành chăm sóc sắc đẹp được xem là lĩnh vực tiềm năng trong tuyển sinh và đào tạo của các trường nghề. Lợi thế của ngành học này là thời gian đào tạo ngắn, người học có tay nghề tốt luôn được săn đón, cùng nhiều lợi ích hấp dẫn khác.

Dễ tìm việc, thu nhập ổn định 

Theo các chuyên gia về lĩnh vực việc làm, học ngành chăm sóc sắc đẹp không tốn quá nhiều thời gian. Ngoài ra, người học có thể học nhiều kỹ năng bổ trợ, tăng cơ hội có việc làm tốt. 

Giáo viên Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành hướng dẫn học viên thực hành chăm sóc da
Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt (TPHCM), chia sẻ, ngành chăm sóc sắc đẹp hệ trung cấp có thời gian học 1,5 năm; hệ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn cần thời gian 3-6 tháng. Đặc biệt, ở hệ sơ cấp, ngành này được chia thành nhiều nghề cơ bản, như phun, thêu, xăm trên da, chăm sóc da, vẽ móng nghệ thuật, nghệ thuật trang điểm, thiết kế và tạo mẫu tóc. Sau các khóa đào tạo, nếu học nghiêm túc, có đầu tư, học viên có thể kiếm việc dễ dàng tại các cơ sở làm đẹp, hoặc tự mở dịch vụ để hành nghề.


Chị Nguyễn Mai Trâm (25 tuổi), chủ một tiệm spa trên đường 3-2, quận 3, TPHCM, chia sẻ, tiệm của chị hoạt động được 5 năm. Trước đây, chị Trâm học ngành tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành hệ trung cấp, sau đó tham gia các cuộc thi để trau dồi thêm kinh nghiệm. Sau hơn 1 năm, chị đã tự mở được tiệm. Hiện tiệm có 15 nhân viên, tất cả đều được đào tạo chính quy từ các trường nghề trên địa bàn thành phố. “Sau nhiều khó khăn của 2 năm dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, tiệm của tôi đông khách trở lại. Trừ chi phí mặt bằng, lương thưởng của nhân viên, thu nhập còn lại mỗi tháng gần 100 triệu đồng”, chị Trâm phấn khởi kể.

Đánh giá về tiềm năng của ngành chăm sóc sắc đẹp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, chuyên gia về dự báo nguồn nhân lực, cho biết, chăm sóc sắc đẹp hiện có nhu cầu rất lớn. Trên cả nước có hàng trăm cơ sở dạy nghề đang đào tạo về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Riêng TPHCM có khoảng 50 cơ sở đào tạo với nhu cầu tuyển sinh gần 12.000 người học/năm, 100% người học ra trường có việc làm ngay. Người học chỉ cần học khóa sơ cấp 3-6 tháng, hoặc học 1,5 năm (hệ trung cấp) là có thể nắm bắt được kiến thức, kỹ năng nghề để bắt đầu lập nghiệp với mức thu nhập từ 8-20 triệu đồng/người/tháng.

 Cẩn trọng với cơ sở đào tạo “chui” 

Theo ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM), xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao, ngành chăm sóc sắc đẹp trở thành một trong những nghề phát triển mạnh. Do đó, đây được xem là lĩnh vực tiềm năng trong tuyển sinh và đào tạo của các trường nghề. Từ đây, nhiều cơ sở chưa được cấp phép mở ngành chăm sóc sắc đẹp nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo; đồng thời còn thực hiện dịch vụ “chui” để thu lợi nhuận, gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các đơn vị đào tạo về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp nói chung. 

“Thời gian qua, nhà trường nhận được đề nghị của cơ quan chức năng hỗ trợ, xác minh phôi chứng chỉ có đúng do trường cấp ra hay không, bởi liên quan đến một cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp để xảy ra tai biến thẩm mỹ. Qua rà soát tất cả các khâu thì chứng chỉ đó được làm giả mạo, không phải do trường cấp cho người học nghề”, ông Hoàng Quốc Long cho biết và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp mạnh để kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở đào tạo không đúng quy định nhằm giúp cho người học, xã hội an tâm, tin tưởng vào đào tạo nghề nghiệp. 

Bà Đỗ Thị Thiết, phụ trách Trường Trung cấp Y tế Trung ương tại TPHCM, cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp kiểm soát để đảm bảo công bằng trong hoạt động đào tạo về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Theo bà Đỗ Thị Thiết, cần có sự tách biệt giữa hoạt động của cơ sở đào tạo và cơ sở thực hiện dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Nơi nào thực hiện không đúng thì phải xử lý nghiêm. 

Lãnh đạo nhiều trường nghề khác cũng yêu cầu siết chặt việc quản lý, xử lý mạnh tay để răn đe doanh nghiệp, tổ chức đào tạo không phép gây ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề xuất Sở LĐTB-XH TPHCM cần đầu tư, nâng cấp website Cổng thông tin giáo dục nghề nghiệp của ngành để người học cần thông tin có thể tra cứu nhanh, lựa chọn trường học đúng. Mặt khác, cần nghiên cứu thành lập trung tâm kiểm định chất lượng các ngành nghề đào tạo, vì ngoài bằng cấp chứng chỉ, người học có nhu cầu có thể tham gia thi tại trung tâm để được đánh giá năng lực, qua đó cũng giảm tình trạng cơ sở đào tạo không đúng quy định.

Trước đề nghị của các trường và tình hình thực tế về đào tạo lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn thành phố, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB-XH TPHCM, khẳng định, sở sẽ có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM, UBND 21 quận huyện và TP Thủ Đức rà soát các đơn vị đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn, đề xuất thanh tra, kiểm tra, định hướng các cơ sở hoạt động đúng quy định. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước khi liên kết với các tổ chức, cá nhân phải có văn bản báo cáo sở theo quy định nhằm tránh việc đào tạo không phép.

Tin cùng chuyên mục