Nguồn lực yếu, thị trường eo hẹp và chính sách thiếu nhất quán… đang là những rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành cơ khí trong suốt thời gian qua.
Hỗ trợ nhỏ giọt
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể: Năm 2013 đạt khoảng 700.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu năm 2013 của ngành đạt trên 13 tỷ USD, gần gấp 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các doanh nghiệp cơ khí và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, đến năm 2013 mới đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất kìm hãm sự phát triển của công nghiệp cơ khí trong nước hiện nay là các cấp, các ngành quản lý Nhà nước chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công nghiệp cơ khí đối với đất nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc khác trong việc thu xếp nguồn tín dụng ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm hay việc chỉ định thầu và giao thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quy định. Do các chính sách đưa ra còn quá chung chung, trong khi việc phê duyệt các điều kiện tín dụng lại quá phức tạp và nhiêu khê nên gần như rất ít dự án được hưởng các ưu đãi này. Đơn cử, trong một số chính sách ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11/24 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 11 dự án, chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Tổng giá trị hợp đồng tín dụng đã ký cho 3 dự án này là 374 tỷ đồng; giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% tổng hợp đồng tín dụng đã ký. Ngoài ra, một số loại sản phẩm cơ khí chưa được chú trọng, như các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy, hải sản... một số dự án thuộc chương trình nhưng không thu hút được các nhà đầu tư.
“Các chủ trương, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ để nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp nặng là hết sức đúng đắn thông qua chương trình cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, việc triển khai, thực thi các chính sách này chưa nhất quán, thiếu cơ chế giám sát, phối hợp giữa Chính phủ và các bộ, ngành cũng như các chủ đầu tư, cơ quan liên quan như hải quan, thuế… nên việc áp dụng hết sức khó khăn. Những doanh nghiệp như chúng tôi thật sự “bở hơi tai” mỗi khi tiếp cận nguồn vốn hay các chính sách, chương trình ưu đãi dành cho ngành”, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Khang Vinh quận Bình Tân, TPHCM Trần Văn Kháng nhận xét.
Sản xuất khuôn mẫu tại Công ty Cơ khí chính xác Lập Phúc, quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tạo tâm thế mới
Theo VAMI, hiện cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí trong tổng số 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí. Trong đó, có gần 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể và 156 xí nghiệp tư doanh. Khoảng 50% cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo lắp ráp, còn lại hầu hết là các cơ sở sửa chữa. Tổng số vốn của ngành cơ khí quốc doanh vào khoảng 360-380 triệu USD, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành cơ khí khoảng 2,1 tỷ USD, trong đó hơn 50% tập trung vào lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy và các mặt hàng tiêu dùng khác. Mặc dù nhìn vào quân số khá hùng hậu, song công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực; ngoại trừ một số lĩnh vực có công nghệ tương đối hiện đại như lắp ráp xe máy. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ yếu và thị trường quá eo hẹp cũng là nguyên nhân kìm hãm sự tăng trưởng của ngành cơ khí. Theo đánh giá của VAMI, hiện nay, hơn 40% số doanh nghiệp cơ khí đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không tiêu thụ được sản phẩm hoặc không có công trình, dự án, phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina Ryu Hangha, để tháo gỡ khó khăn đối với công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, giải pháp trước mắt là cần có chính sách thúc đẩy và thực hành để phát triển, như: Tạo chính sách khuyến khích thị trường trong nước tiêu thụ sản phẩm trong nước làm ra. Đồng thời, giải quyết hiệu quả các vướng mắc trong cơ chế đấu thầu cho các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu cơ khí chuyên ngành nghiên cứu giao đề tài chế tạo cụ thể nhất. Xem xét cấp kinh phí cho các doanh nghiệp mua bản quyền thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tư vấn trong tiếp nhận thiết kế; tập trung đầu tư nâng cao năng lực thiết kế, tư vấn. Có giải pháp mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thông qua cơ chế tạo đơn hàng, chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước, nhất là các gói thầu EPC quy mô lớn.
Về phía các doanh nghiệp, đầu tư công nghệ mới, áp dụng các hệ thống và phương thức quản ký tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực là những hướng đi cụ thể để gia tăng năng lực cạnh tranh. “Với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã đến lúc ngành cơ khí Việt Nam cần một tâm thế sẵn sàng cho cuộc chơi mang tầm quốc tế”, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Phạm Anh Tuấn, nhận định.
LẠC PHONG