Ngành công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam: Chủ động nguồn nguyên liệu và đổi mới công nghệ

Nhựa, cao su luôn được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt 12% - 15%/năm. Triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Điều này mang lại cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong nước cũng như thách thức về năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do. 

Sản xuất palet nhựa
 Ảnh: Thành Trí
 Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam,  trong năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2016. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng cao, gồm: Hàn Quốc tăng 30%, ASEAN tăng 24,2%, Nhật Bản tăng 14,8%, Trung Quốc tăng 61,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt khoảng 1,43 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm nhựa của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 35 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu cho ngành nhựa từ thế giới chiếm tới 80%. Nên chỉ cần giá cả biến động nhỏ là doanh nghiệp bị ảnh hưởng do biên tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ cần hơn 5 triệu tấn nguyên vật liệu đầu vào để đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng trong sản xuất và kinh doanh. Để giảm sự phụ thuộc này, ngành Nhựa cần tăng cường tỷ lệ nhựa tái chế và chủ động khâu mẫu mã, thiết kế. Để làm điều đó không chỉ cần con người, chính sách mà đặc biệt còn cần công nghệ mới, thiết bị sản xuất tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu và chi phí để qua đó giảm giá thành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành nhựa còn non trẻ, các doanh nghiệp lại chưa có thói quen văn hóa ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng, hoạch định lại kế hoạch nguyên liệu đầu vào, xu hướng phát triển. 

 
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa và Cao su TPHCM, cho biết 2 ngành cao su và nhựa đều đang có những cơ hội lẫn thách thức trong môi trường kinh doanh đầy biến động. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến Trung Quốc xuất hiện sự dịch chuyển các đơn hàng và làn sóng mua mặt hàng cao su từ Việt Nam tăng lên. Trong 7 tháng 2018, lượng sản phẩm xuất khẩu vỏ xe tăng 40%, tương đương 1 tỷ USD. Với lượng cao su không thuần túy xuất thô tự nhiên tăng như vậy, đây là tín hiệu tốt cho ngành cao su Việt Nam. Thị trường xuất khẩu được đánh giá còn nhiều tiềm năng và có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tính đến chuyện đầu tư máy móc mới, nhất là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu, thông qua đẩy mạnh sự liên kết vùng, khu vực và các tỉnh để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể.

Tin cùng chuyên mục