Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn loay hoay tìm lối ra

Đã qua hàng chục năm và có hàng loạt chính sách được ban hành để bảo hộ, nhưng đến nay ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn loay hoay tìm lối ra…
Lắp ráp ô tô tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Lắp ráp ô tô tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thách thức ngày càng lớn

Thị trường ô tô trong năm qua chứng kiến nhiều khó khăn đối với các hãng xe khi nhu cầu thị trường có sự biến động so với giai đoạn tăng trưởng ổn định trước đó (từ năm 2013-2016). Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2017, toàn thị trường ô tô đạt doanh số 278.600 xe (gồm các dòng xe du lịch, xe tải, xe khách/bus và một số loại xe khác), giảm khoảng 9,3% so với năm 2016. Trong đó, các sản phẩm xe du lịch chiếm tỷ trọng 62% (tương đương với 173.485 xe), giảm 9,9% so với năm 2016; các dòng xe tải, xe khách/bus chiếm gần 35% (khoảng 99.082 xe) trong cơ cấu xe bán ra năm 2017. “Với xu hướng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt các sản phẩm nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ ASEAN với thuế suất 0% có mức giá rất cạnh tranh, sẽ đặt ra thách thức đối với các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng lớn”, đại diện Công ty CP Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, nhận định.

Trên thực tế, nền tảng sản xuất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện chỉ dừng lại ở mức lắp ráp CKD đơn giản hoặc sản xuất các linh kiện còn ở quy mô rất nhỏ, rời rạc. Do đó, khi AFTA có hiệu lực hoàn toàn thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam rất khó có thể tồn tại, duy trì và phát triển được theo định hướng và chiến lược của Chính phủ. Chưa kể, từ trước đến nay các mục tiêu của chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam về tỷ lệ nội địa hóa, sản lượng xe sản xuất trong nước hay phát triển công nghiệp phụ trợ đều dựa vào các doanh nghiệp ô tô FDI. Từ đó, dẫn đến tình trạng “làm nhiều hưởng chẳng bao nhiêu”, lợi nhuận đều về tay các doanh nghiệp ô tô FDI, nhưng không đạt được mục tiêu nội địa hóa đặt ra. Dẫn chứng, Toyota Việt Nam với doanh số bán hàng đạt khoảng 60.000 xe trong năm 2017, chiếm thị phần 23,7%, công bố tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam đạt từ 19% - 37%, tùy theo mẫu xe (theo phương pháp tính giá trị của ASEAN). Còn Ford Việt Nam hay Honda Việt Nam có danh mục sản phẩm với nhiều mẫu ô tô nhập khẩu hơn là lắp ráp. Liên doanh Ford có 3/7 model, doanh số chiếm hơn 50% là xe nhập khẩu, trong khi Honda Việt Nam có đến 5/6 model không sản xuất trong nước. Với thực trạng này sẽ rất khó để các sản phẩm sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể tham gia xuất khẩu sang các thị trường lân cận và thiệt thòi lớn khi tham gia vào khu vực ASEAN. 

Xây dựng nhanh đối sách 

Để khơi dòng cho ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển và nâng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp kiến nghị trước mắt Chính phủ cần miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam, cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Giải pháp này sẽ giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước. Với việc được tối ưu hóa chi phí đầu vào, các nhà sản xuất linh kiện sẽ có thể cung cấp ra thị trường những linh kiện nội địa hóa với mức giá cạnh tranh hơn so với các linh kiện nhập khẩu. Từ đó, dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Về dài hạn, Chính phủ có các cơ chế chính sách thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư dự án có quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia. 

Liên quan đến các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết, sẽ nhanh chóng phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất xử lý các vấn đề về điểu chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký. Đồng thời, nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước). Tập trung xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước. Về dài hạn, sẽ có cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN. Còn theo nhận định của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), hiện nay dung lượng thị trường đang tăng trưởng nhanh, đạt 24% trong 5 năm qua và hứa hẹn tiềm năng ngành ô tô phát triển. Bên cạnh đó, các FTA đã và đang có hiệu lực sẽ góp phần làm tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng từ các đối tác, đặc biệt từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia; đồng thời, tạo ra tiềm năng xuất khẩu nguyên phụ liệu sang các nước đối tác, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực. “Tuy nhiên, các FTA cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nhà lắp ráp trên thị trường, giữa xe trong nước và xe nhập khẩu. Sự phức tạp trong ngành ngày càng tăng, đòi hỏi doanh nghiệp và Chính phủ phải có đối sách nhanh hơn và chính sách có tầm chiến lược hơn”, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, đánh giá.

Tin cùng chuyên mục