Trong những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) có những bước phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực. Từ chỗ không đáp ứng được nhu cầu trong nước, đến nay ngành này đã tiến đến có dư để xuất khẩu.
Dẫn đầu khu vực về xuất khẩu
Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, vừa công bố tại hội thảo “Cạnh tranh trong lĩnh vực VLXD - kinh nghiệm Nhật Bản” mới đây, việc đầu tư phát triển một số sản phẩm VLXD thời gian qua đã tạo ra những bước tiến lớn. Đơn cử, đối với ngành xi măng, năm 2008 chỉ có 39 dây chuyền lò quay và 47 lò đứng với tổng công suất 42 triệu tấn/năm, qua năm 2013 đã đầu tư 71 dây chuyền lò quay và chỉ còn 3 dây chuyền lò đứng với tổng công suất đạt 74 triệu tấn/năm. Chất lượng clinker đạt mức PC50 - PC60.
Tương tự, gạch gốm ốp lát cũng được đầu tư phát triển với tốc độ rất nhanh, nếu năm 2008, tổng công suất chỉ 240 triệu m², đến năm 2013 đã đầu tư đạt tổng công suất 450 triệu m². Công nghệ, thiết bị đều được nhập khẩu từ các nước công nghiệp phát triển, nên sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có phần xuất khẩu. Đối với sứ vệ sinh, khoảng 60% - 70% sản lượng sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đến năm 2013, ngành này đã đạt tổng công suất 14,7 triệu sản phẩm, đa phần đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng ngành kính phẳng, đến năm 2013 đã đầu tư đạt tổng công suất 188 triệu m² sản phẩm, trong đó gần 60 triệu m² là kính đặc biệt. Trong đó, có 2 dây chuyền sản xuất kính cán vân hoa, chất lượng sản phẩm đa phần đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sản xuất kính phẳng tại Công ty Viglacega. Ảnh: CAO THĂNG
Với việc đầu tư quy mô của ngành VLXD, đến năm 2013, các sản phẩm chủ lực nêu trên đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, không nhập khẩu; ngược lại còn xuất khẩu được gần 600 triệu USD, đứng đầu các nước trong khu vực ASEAN về xuất khẩu. Dự kiến năm 2014, ngành VLXD sẽ đạt con số xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD và đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2 - 2,5 tỷ USD.
Tránh cạnh tranh không lành mạnh
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trần Anh Sơn, mặc dù thành tích xuất khẩu các mặt hàng VLXD của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, song vẫn còn một số điểm yếu như chi phí sản xuất cao, cung vượt cầu, sức cạnh tranh yếu. Trong khi đó, việc xuất khẩu của đa phần các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu, khuếch trương giới thiệu sản phẩm. Việc bán sản phẩm ra nước ngoài còn có hiện tượng để nước ngoài lợi dụng về việc “tranh mua, tranh bán” của các doanh nghiệp trong nước nên ép giá, đưa ra các điều kiện bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Giá bán của các sản phẩm trong nước thấp hơn nhiều so với giá của các sản phẩm cùng loại của các nước khác cũng như giá nhập vào Việt Nam của các sản phẩm cùng loại.
Trên thực tế, xuất khẩu VLXD là định hướng mang tính chiến lược lâu dài, song song với tiêu thụ nội địa. Trong đó, việc xuất khẩu nhiều hay ít tùy thuộc vào lợi thế của từng chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, xuất khẩu VLXD phải theo hướng ngày càng nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Theo Phó Vụ trưởng Vụ VLXD Phạm Văn Bắc, thời gian qua, sản phẩm VLXD Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ nguyên liệu là tài nguyên khoáng sản, do đó giá trị xuất khẩu cần phải được tính đầy đủ các yếu tố đầu vào.
Xuất khẩu VLXD mang hiệu quả kinh tế, vừa khẳng định vị thế của sản phẩm Việt Nam, vì vậy cần có sự quản lý, tiếp sức của Nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp trong việc giữ vững chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, giá cả mua bán, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi trong sản xuất, trong xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, cần hình thành các khu sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu.
“Với những sản phẩm VLXD mà Việt Nam có lợi thế, khối lượng xuất khẩu là không hạn chế. Củng cố thị trường đã được thiết lập, mở rộng thị trường mới, chuyển từ xuất khẩu gián tiếp thông qua đối tác nước ngoài, sang xuất khẩu trực tiếp đối với những thị trường có điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả, tiếp cận tốt hơn nhu cầu thị trường, khách hàng. Xuất khẩu VLXD gắn với xuất khẩu công nghệ, xuất khẩu chuyên gia. Đầu tư sản xuất VLXD ở nước ngoài, thông qua liên doanh, liên kết hoặc 100% vốn Việt Nam” - ông Bắc đề xuất.
LẠC PHONG