Ngành dệt may cần nội địa hóa thêm 5 tỷ mét vải/năm

Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam mặc dù đã đạt được những thành tích tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28 tỷ USD nhưng có một thực tế là tỷ lệ nguyên liệu và phụ liệu nội địa còn hết sức khiêm tốn. Đây là bài toán hóc búa đặt ra trong nhiều năm nay, nhất là trong bối cảnh phải thỏa mãn các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt của các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy hiện nay hàng năm Việt Nam cần 8,5 tỷ mét vải để làm hàng may mặc, trong khi đó nguồn vải nội địa chỉ đáp ứng chưa tới 3 tỷ mét vải. Như vậy, để hiện thực hóa được hưởng lợi thế về thuế quan Việt Nam phải nhanh chóng bổ sung năng lực sản xuất khoảng 5 tỷ mét vải/năm. Việc giải quyết bài toán này đã trở thành một mệnh lệnh cấp bách hơn bao giờ hết. Bà Đặng Kim Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, để tận dụng tối đa lợi thế mà các hiệp định mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực hơn nữa và không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế. Mặt khác, phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để làm sao tận dụng được các thành phẩm của nhau để làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may. Như vậy chúng ta mới đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do. Điều quan trọng hơn, các doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ này để tích lũy tiềm lực mọi mặt để xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự chứ không nên coi hiệp định thương mại là liều thuốc tiên vĩnh cửu và yên tâm ngủ quên trên những ưu đãi thuận lợi trước mắt.

Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, hiện sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu đang phải đóng thuế rất cao, trung bình 12% - 30%. Chỉ tính riêng thuế xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ là 1,17 tỷ USD/năm, da giày 300 triệu USD… So với những nước đang có cùng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì số tiền thuế mà doanh nghiệp Việt Nam phải đóng là cao nhất. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta. Do đó, việc tham gia Hiệp định thương mại và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện nội lực cạnh tranh nhờ chính sách cho phép mở thị trường toàn diện, cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan thị trường nhập khẩu. Riêng lợi ích cụ thể trước mắt những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ như dệt may, da giày, quần áo sẽ tăng 0,4% - 0,8%. Hiện Việt Nam đã đạt được những điều kiện về hưởng những ưu đãi từ những thỏa thuận quy tắc xuất xứ linh hoạt như doanh nghiệp có thể áp dụng quy tắc “nguồn cung ứng thiếu hụt”; tự chứng nhận xuất xứ của nhà nhập khẩu, nhà sản xuất; thực hiện quy tắc xuất xứ tính theo cộng gộp toàn phần hoặc quy tắc xuất xứ cụ thể theo từng mặt hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, để có thể phát triển bền vững, các các doanh nghiệp Việt buộc phải tính toán đến đầu tư sản xuất nguyên liệu. Kế đến là chủ động cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình quản lý để đạt tiêu chuẩn tham gia chuỗi giá trị được hình thành trong khu vực.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục