Hàng loạt dự án quy mô lớn cũng như giải pháp tối ưu đã và đang được các doanh nghiệp ngành dệt may ráo riết triển khai nhằm đón làn sóng hội nhập khi nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết.
Tăng trưởng mạnh
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong quý 1-2015 đạt 4,85 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số những thị trường chính tiêu thụ hàng dệt may của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2015 thì Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chiếm ưu thế. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục đứng đầu về kim ngạch, đạt 2,37 tỷ USD với thị phần chiếm 48,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 với trị giá đạt 635,95 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,1% tổng kim ngạch; kế đến là thị trường Hàn Quốc đạt 472,63 triệu USD, chiếm 9,7% tổng kim ngạch, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu dệt may trong quý 1-2015 đạt 4,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014. Ảnh: CAO THĂNG
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sự tăng trưởng mạnh mẽ của dệt may Việt Nam chủ yếu là do doanh nghiệp trong ngành đã không ngừng nỗ lực đầu tư công nghệ sản xuất, chuyển dần sang phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã dành nguồn lực không nhỏ đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường xuất nhập khẩu. Năm 2015 được đánh giá khá thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại có thể kết thúc, cơ hội cho dệt may Việt Nam càng nhiều hơn. Thị trường EU được đánh giá tiếp tục là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam trong thời gian tới nhờ nhu cầu lớn và khi FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU. Với thị trường Hoa Kỳ, kỳ vọng lớn nhất là Hiệp định TPP sẽ được ký kết, khi đó, thuế suất sẽ giảm dần và tăng thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị phần tại thị trường này.
Đầu tư tổng lực
Trên thực tế, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Trong năm ngoái, doanh thu xuất khẩu của ngành công nghiệp đã tăng gần 17%, đạt 24,5 tỷ USD và sản phẩm được xuất khẩu đến 180 quốc gia. Với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đã tạo ra 4,5 triệu việc làm. Theo Phó Chủ tịch Vitas Lê Tiến Trường, các doanh nghiệp địa phương đã thu giữ được cơ hội mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài. Chín năm sau khi gia nhập WTO, thị phần của Việt Nam trong ngành may mặc và dệt may trên thị trường Hoa Kỳ đã tăng liên tục từ 3% đến 10%, chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm ngoái, doanh thu hàng may mặc và xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong các thị trường lớn với 17% ở châu Âu, 12,5% ở Hoa Kỳ, 9% ở Nhật Bản và 27% ở Hàn Quốc. Năm nay, Việt Nam đang nhắm mục tiêu đạt 28,5 tỷ USD từ hàng dệt may xuất khẩu.
Nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp dệt may đã chạy đua đầu tư tổng lực. Đơn cử, trong hai năm 2014 và 2015, Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đầu tư 1.500 tỷ đồng cho các dự án sản xuất hàng dệt kim, sợi và may mặc để nhân rộng năng lực cung ứng hàng may mặc xuất khẩu. Trong đó, riêng năm 2014, Hanosimex giải ngân được 800 tỷ đồng. Tương tự, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp) cho biết, doanh nghiệp sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm với các sản phẩm chủ lực như dệt kim, vải jeans, sợi chỉ may... Ngoài ra, một số dự án đã được khởi động từ đầu năm 2015, như: Dự án Mở rộng một dây chuyền sản xuất dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỷ đồng và Dự án Đầu tư sản xuất vải denim với số vốn đầu tư 860 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TPHCM)… Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may còn chủ động vào cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và linh hoạt tiếp cận thị trường. “Ngoài các đối tác truyền thống, việc chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, khách hàng mới phải được chú trọng đầu tư khai thác nhằm đạt được kim ngạch xuất khẩu hiệu quả nhất. Ngoài ra, để tận dụng các cơ hội thị trường và mở rộng hơn nữa khách hàng, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may là cần tiếp tục đầu tư sâu cho hàng hóa dệt may và nguyên liệu dệt may. Trong hàng hóa dệt may tập trung vào hàng có kỹ thuật cao, đòi hỏi tay nghề cao và công nghệ tốt”, một cán bộ Vitas phân tích.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cùng với sự tích cực tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới cho cả đầu vào và đầu ra đã mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu của dệt may. Điều này giúp cho sản phẩm dệt may không những có chỗ đứng trên thị trường truyền thống, mà còn mở ra nhiều cơ hội ở các thị trường mới.
LẠC PHONG