Năng lực yếu, cộng với chính sách hỗ trợ kém hấp dẫn đang khiến ngành dệt may mất dần đơn hàng sang các nước láng giềng. Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này là thực hiện lại quy hoạch ngành và có những chính sách hỗ trợ dài hạn.
Đơn hàng sụt giảm
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi đó các DN ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket. Sự trầm lắng này chủ yếu do mức tiêu thụ của các thị trường trên thế giới bị chững lại, khi người tiêu dùng các nước cắt giảm chi tiêu do khó khăn kinh tế. Ngoài ra, một số đơn hàng số lượng lớn, đòi hỏi gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, lại được khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia, khiến lượng đơn hàng tại Việt Nam bị hụt.
Với những khó khăn hiện tại, mục tiêu xuất khẩu đạt 31 tỷ USD năm 2016 của ngành dệt may đang vấp phải những nỗi lo từ sự suy giảm đơn hàng và giá xuất khẩu, trong khi chi phí sản xuất đang gia tăng. Đặc biệt, nhiều DN nhỏ và vừa phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Việc khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Bangladesh, Campuchia hay Myanmar và Lào là do các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ - vốn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Trong khi đó, thuế xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ trung bình là 17%, sang EU gần 10%. Lộ trình để được hưởng thuế về 0% với cả Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì phải giữa năm 2018 hai hiệp định này mới có hiệu lực. Với lợi thế về thuế xuất khẩu vào khu vực thị trường lớn như Mỹ, EU nên các đơn hàng có xu hướng chuyển sang Campuchia, Myanmar và Lào. Chỉ trong một thời gian ngắn, Campuchia tăng trưởng gần 32% trong năm 2015 và khoảng cách Việt Nam vượt Campuchia về xuất khẩu sang EU trong năm qua là không đáng kể.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, không loại trừ khả năng trong thời gian ngắn, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ của Việt Nam. Việc dịch chuyển đơn hàng thời gian qua, cũng đã tác động đến tỷ lệ đơn đặt hàng cho quý 2 và quý 3-2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 5% - 7%, trong khi giá thực hiện gia công không tăng. Việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của DN dệt may và làm chậm lại tốc độ xuất khẩu cả ngành trong năm 2016.
Dệt may đang đứng trước nguy cơ sụt giảm đơn đặt hàng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Liên kết tự chủ nguyên liệu
Để giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành, hiện các DN dệt may trong nước đang khai thác, mở rộng, tìm kiếm khách hàng; đồng thời hình thành, phát triển hệ thống liên kết, tạo thành chuỗi kinh doanh cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm. Theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, để thúc đẩy nền công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng DN, Chính phủ cần có chính sách chiến lược dài hạn, đánh giá lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may một cách phù hợp hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế vùng và địa phương cũng đã có nhiều đổi thay, cho nên quy hoạch đến năm 2020 cũng đã lỗi thời. Theo quy hoạch đến năm 2020, ngành dệt may Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt khoảng 20 - 25 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2015 vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực xuất khẩu được 27,5 tỷ USD. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra một chiến lược dài hạn hơn, cụ thể hơn, trước mắt là đến năm 2020, trung hạn 2020-2030 và dài hạn từ 2030-2040 để ngành dệt may đi kịp với quá trình hội nhập của đất nước.
“Chính phủ cũng cần sớm quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) hoặc các khu kinh tế (KKT) trọng điểm của đất nước, trong đó, có KCN dệt may. Cùng với sự phát triển các KCN, KKT, Chính phủ cần xây dựng chiến lược dài hạn để kết nối hạ tầng giao thông, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; làm sao để vận chuyển hàng hóa trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất và quan trọng là tạo nguồn lực thu hút nhân lực đến các KCN, hạn chế hiện tượng di dân từ các địa phương về KCN”, ông Giang đề nghị. Ngoài ra, hiện nay tiêu chuẩn rất quan trọng của hàng dệt may xuất khẩu đang được các “buyer” (người mua, đầu mối buôn hàng) quan tâm là chất lượng nhà xưởng và nguồn gốc xơ, sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Vì vậy, để đạt được yếu tố này, Vitas kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm môi trường xanh - sạch cho người dân và cũng là bảo đảm cho sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang các nước được đón nhận. Chính phủ cũng cần ổn định cơ chế chính sách từ thuế, hải quan, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế minh bạch, rõ ràng để DN yên tâm kinh doanh, không phải suốt ngày lo “đối phó” với những chính sách thay đổi liên tục.
LẠC PHONG