Ngành dệt may trước trào lưu sản xuất mới

Công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và ít đổi mới sáng tạo đang tạo ra rào cản, thách thức lớn đối với ngành dệt may trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngành dệt tiếp cận thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm Ảnh: THÀNH TRÍ
Ngành dệt tiếp cận thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm Ảnh: THÀNH TRÍ

Vẫn thuần gia công

Phải nhìn nhận, thời gian qua ngành dệt may đã có nhiều bước đột phá, đóng góp lớn vào cán cân xuất nhập khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt trên 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016. 8 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo toàn ngành năm nay có thể đạt 35 tỷ USD. Tuy nhiên, lâu nay xuất khẩu dệt may vẫn dựa trên sản xuất gia công với nòng cốt nhân công giá rẻ. Trong khi đó, những điểm này không còn là lợi thế khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ tự động hóa cao đang tạo ra trào lưu sản xuất mới.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), lĩnh vực may đạt tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình và 10% công nghệ thấp. Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá, nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình. Hơn một nửa số máy dệt kim tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã được sản xuất trên 15 năm, chất lượng xuống cấp, tiêu thụ điện năng lớn và hiệu suất sử dụng thấp. Bên cạnh đó, thiết bị dệt kim của doanh nghiệp trong nước tuy chiếm trên 55% tổng số máy dệt kim tại Việt Nam, nhưng chủ yếu là máy dệt kim phẳng dùng dệt len, màn tuyn, tất. Số máy dệt kim tròn dùng cho dệt vải rất ít, chỉ chiếm khoảng 6% và hầu hết là máy cũ, chỉ để dệt vải cung cấp cho thị trường nội địa. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may hiện nay vẫn đáp ứng các đơn hàng lớn nhưng hàng hóa đơn giản, tính thời trang chưa cao. “Đặc biệt, ngành phát triển mạnh thời trang thị giác chứ chưa quan tâm tới thời trang cảm giác, thời trang bền vững, thời trang chức năng và thời trang môi trường. Trong khi đó, ngành dệt và phụ trợ phát triển không tương xứng với ngành may và thời trang. Chiến lược khoa học - công nghệ ngành dệt chưa phù hợp với xu hướng của thế giới”, ông Trần Văn Quyến, chuyên gia tư vấn The Woolmark Company, đánh giá. Chưa kể, hiện nay hàng dệt may của Việt Nam đang  phải cạnh tranh gay gắt với các nước như Bangladesh, Campuchia, Lào, Sri lanka, Myanmar. Và xu hướng sản xuất gia công đang chuyển dịch về các quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ hơn, trong khi chi phí của lao động Việt Nam đang ngày một tăng. Do đó, khi cách mạng công nghiệp 4.0 với trình độ công nghệ tự động hóa cao, sử dụng robot trong sản xuất đang được ứng dụng ngày một rộng rãi; các khâu trong sản xuất, lưu thông cũng được liên kết với nhau nhờ internet nên chi phí quản lý, thiết kế giảm đáng kể… sẽ đến lúc nào đó, phương thức sản xuất dựa trên gia công với nòng cốt nhân công giá rẻ sẽ bị mất lợi thế, các doanh nghiệp trong ngành sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may cần nhanh chóng nâng cao năng lực để chiếm lĩnh được cơ hội, đứng vững trong thị trường cạnh tranh và đầy biến động sắp tới.

Cải tổ để chiếm lĩnh cơ hội

Hiện thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam tập trung ở Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Đông Nam Á. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, chiếm gần 40% tổng kim ngạch của dệt may. Gần đây, cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ bùng nổ. Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách gần 6.000 mặt hàng, trong đó có ngành dệt may, sẽ bị áp thuế trong gói 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Do vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội khi xuất khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế cao. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đối mặt với thách thức do hàng hóa Trung Quốc sẽ tìm cách tràn ngập thị trường trong nước theo nhiều hình thức khác nhau như lập kho gửi hàng ở các khu kinh tế biên mậu, lập doanh nghiệp gia công lắp ráp tại Việt Nam để tránh thuế rồi tìm đường xuất khẩu sang Mỹ… Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh cơ hội và đứng vững trên thị trường cạnh tranh hiện nay. 

Đại diện Bộ Công thương cho biết, để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, bộ đang xây dựng lộ trình về đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành dệt may. Khi hoàn thành lộ trình này sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng cụ thể trong kế hoạch đầu tư, áp dụng công nghệ sản xuất mới. “Trước mắt, để thích ứng hoàn cảnh mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, các doanh nghiệp Việt nên chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) để mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự”, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Trần Thanh Hải lưu ý. 

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, để bảo đảm tăng trưởng lâu dài đặc biệt khi nhân công giá rẻ không còn là ưu thế, ngành dệt may buộc phải tăng năng suất lao động, tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các giải pháp như kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các khâu đang là nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, góp phần tăng thặng dư thương mại. Xây dựng chuỗi cung ứng, liên kết hợp tác trong ngành dệt may nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Tin cùng chuyên mục