8 năm liên tiếp Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) nhân điều số 1 thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ về lượng chế biến. Các nước trồng điều ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Beni, Guinea Bissau… xem ngành điều Việt Nam như là tấm gương để hướng đến trong thời gian tới.
Nhập khẩu 50% nguyên liệu
Từ chỗ XK hạt điều thô, ngành điều Việt Nam đã dần chuyển qua chế biến để XK nhân điều và tiêu thụ hết nguyên liệu trong nước. Không dừng lại ở đó, nhiều nhà máy được mở rộng và xây dựng thêm, nâng công suất chế biến cao hơn nhiều so với nguyên liệu trong nước nên tiến tới chỗ nhập khẩu điều thô của các nước châu Phi. Việc lần lượt làm chủ các thiết bị, công nghệ ở từng công đoạn chế biến, gần như trở thành công nghệ chế biến hạt điều sản xuất gần hết các khâu tại Việt Nam là điều đáng tự hào so với nhiều ngành nghề khác, nhờ đó giúp tiết kiệm cho đất nước nhiều ngoại tệ.
Công nghệ và thiết bị chế biến điều do người Việt Nam làm ra không chỉ có chi phí thấp mà quan trọng hơn các chỉ tiêu của thiết bị cũng nổi trội hơn so với thiết bị nhập khẩu nhất là ở khâu bóc, tách vỏ hạt điều, tỷ lệ hạt bị vỡ thấp hơn. Vì vậy thiết bị của các hãng nổi tiếng thế giới khó cạnh tranh với những cơ sở sản xuất trong nước. Nói như vậy cũng để thấy rằng, việc hoàn thiện thiết bị, công nghệ trong nước còn phải tiếp tục.
Thế nhưng nghịch lý của ngành điều Việt Nam cũng bắt đầu lộ ra khi công suất chế biến và nhà máy mở ra rất nhiều nhưng vùng nguyên liệu trong nước không vì thế mà mở rộng, ngược lại, diện tích ngày càng sụt giảm. Ngay cả vùng điều có chất lượng cao nhất cả nước ở Đông Nam bộ cũng suy giảm mạnh. Đặc biệt là hạt điều Bình Phước, tỉnh có diện tích lớn nhất và được nhà nhập khẩu đánh giá là có chất lượng cao nhất thế giới cũng bị sụt giảm. Lý do chính là thu nhập từ cây điều quá thấp (khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ), trong khi đó các loại cây công nghiệp khác như cao su, cà phê (cả trăm triệu đồng/ha/vụ); hồ tiêu (vài trăm triệu đồng/ha/vụ)...
Đó là lý do diện tích điều giảm dần, kéo theo sản lượng sụt giảm, nên việc nhập điều thô từ nước ngoài từ chỗ vài chục ngàn tấn/năm, sau 10 năm đã lên đến 550.000 tấn/năm 2013, chiếm phân nửa sản lượng chế biến của các nhà máy. Việc nhập khẩu điều thô, lúc đầu phải qua trung gian là các đầu mối như Olam (Ấn Độ), tập đoàn có quan hệ làm ăn lâu đời với các nước trồng điều châu Phi.
Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức hội nghị khách hàng là các nhà cung cấp điều thô đến từ các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea Bissau, Nigeria, Benin… cùng với Liên Hiệp hội Điều châu Phi (ACA) đến Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới giữa nước XK nhân điều lớn nhất thế giới và khu vực có vùng nguyên liệu điều nhiều nhất, chiếm 40% sản lượng điều thế giới.
Điều này cũng có nghĩa, việc mua bán trực tiếp giữa Việt Nam và các nước cung cấp điều thô châu Phi ngày càng nhiều hơn, giảm bớt vai trò trung gian, qua đó, chất lượng hạt điều được nâng lên và nhà cung cấp sẽ bán được giá hơn.
Giải quyết điểm yếu nguyên liệu
Cũng như ngành điều Việt Nam của hơn 20 năm trước, các nước cung cấp hạt điều thô châu Phi muốn học cách phát triển của ngành điều Việt Nam. Đó là tiến tới việc chế biến ngay trong nước thay vì XK hạt điều thô. Ước muốn này cũng đã được đại diện các nước đến tham dự hội nghị khách hàng quốc tế tại TPHCM vừa qua bày tỏ nguyện vọng. Các đại biểu này cũng mong muốn Việt Nam đến đầu tư nhà máy, nhập thiết bị và công nghệ Việt Nam.
Nhưng vì điều này nội bộ ngành điều thời gian qua đã từng có sự tranh cãi. Vì đây có thể xem như là sở hữu ngành điều cả nước nên không ít người phản đối việc XK công nghệ, nhưng thực tế không thể tránh khỏi việc XK đơn lẻ. Cũng như Việt Nam, từ chỗ học lóm thiết bị và công nghệ nước ngoài, nhờ sự sáng tạo của người Việt nên ngành điều Việt Nam đã làm chủ công nghệ và thiết bị này. Đây cũng là một cơ hội cho XK công nghệ sản xuất điều, vì nếu Việt Nam không XK thì cũng sẽ có nước khác tiếp cận thị trường châu Phi.
Điểm yếu của ngành điều chính là nguyên liệu. Nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã nói, không thể phát huy thế mạnh của ngành điều Việt Nam khi mà phụ thuộc nước ngoài đến 50% lượng nguyên liệu chế biến, nếu không cũng chỉ là gia công. Vì vậy, việc ổn định vùng nguyên liệu trong nước bằng giống cao sản chất lượng tốt là điều cần phải có để giúp nâng cao thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, các nhà máy đã có bước tiến dài về việc bóc tách vỏ hạt điều, nhưng xét cho cùng cũng mới là sơ chế. Sản phẩm bán cho nhà nhập khẩu phải qua công đoạn chế biến sâu mới tạo ra giá trị gia tăng, bán trực tiếp ra các hệ thống siêu thị với thương hiệu rõ ràng để có phần lợi nhuận cao hơn. Đây là công đoạn tiếp theo mà các nhà máy phải làm tiếp cuộc “cách mạng” lần 2.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, trong khoảng 1,8 tỷ USD kim ngạch XK nhân điều năm nay, có khoảng 300 triệu USD là từ chế biến sâu như dầu hạt điều và các sản phẩm nhân điều ăn trực tiếp như snack điều, nhân điều rang muối, bơ điều…
Có thể nói đây là thách thức rất lớn để chen chân vào thị trường bán lẻ thế giới khi mà thị phần đã có sự phân chia nên không dễ gì để thương hiệu Việt Nam chen vào. Nhưng khi có doanh nghiệp làm được sẽ là bài học và là động lực để doanh nghiệp khác quyết tâm làm theo. Nếu làm được như vậy, nhà đầu tư Việt Nam sẽ đến các nước có sản lượng điều lớn ở châu Phi đầu tư nhà máy bóc tách hạt như Việt Nam đã và đang làm, sau đó trung chuyển về Việt Nam tinh chế, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng.
CÔNG PHIÊN