Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” - Bài 3: Chặt chém, chụp giựt: Lợi nhỏ làm hư việc lớn

Mới đây, vụ EU Tourist có trụ sở tại TPHCM nhận hơn 1,2 tỷ đồng của đoàn khách tại TPHCM để tổ chức chuyến du lịch Trung Quốc, nhưng sau đó bỏ trốn, là một ví dụ điển hình cho tình trạng làm ăn chụp giựt… Thực tế, kiểu làm ăn này xảy ra khắp nơi.

“Treo đầu dê, bán thịt chó”

Trước lễ 2-9 năm nay, 12 thành viên gia đình chị M.T. (TP Thủ Đức) mua tour trọn gói của Công ty du lịch S.V.T. (quận Bình Tân, TPHCM) theo lộ trình TPHCM - Đà Lạt 3 ngày 2 đêm, giá 2,6 triệu đồng/người. Tất cả số tiền này được thanh toán trước khi đi.

Lúc chào bán, nhân viên giới thiệu khách được ăn uống ở nhà hàng đạt chuẩn, đi xe máy lạnh đời mới, giường nằm. Thế nhưng, khi trải nghiệm thực tế, dịch vụ rất tệ, khách phải ăn cơm phần, xe ghế ngồi. Đỉnh điểm câu chuyện, lúc trả phòng khách sạn ra về, cả đoàn bị thu giữ hành lý do công ty chưa thanh toán 18 triệu đồng tiền phòng.

Chưa dừng lại đó, về tới trạm dừng chân, tài xế không chịu mở cửa cho mọi người xuống xe do công ty chưa trả 5 triệu đồng. Sau khi đoàn khách quyết liệt, thậm chí gọi điện nhờ cơ quan chức năng can thiệp, đoàn khách mới được về nhà.

Bán hàng rong ở Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: MAI AN

Bán hàng rong ở Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: MAI AN

Vào tháng 8, trên mạng lan truyền thông tin một YouTuber Nhật Bản hỏi giá 3 đôi vớ và bị một tiểu thương chợ Bến Thành hét giá hơn 700.000 đồng. Tương tự, mới đây một nữ du khách Đài Loan (Trung Quốc) hỏi mua 1 trái dừa của người bán hàng rong ngoài hàng rào Bảo tàng TPHCM trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), bị hét giá 150.000 đồng/trái, sau khi kỳ kèo người bán hạ còn 50.000 đồng/trái. Nữ du khách trên đã đăng vụ việc trên TikTok, sau khi bỏ đi, không mua dừa.

Những thông tin tiêu cực nêu trên được các du khách lần lượt đăng trên YouTube, TikTok, thu hút lượng xem đáng kể, khiến “bộ mặt” du lịch của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng đáng kể.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội. Tháng 3 năm nay, du khách người Mỹ nhờ khách sạn đặt xe đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Quãng đường chỉ khoảng 3km nhưng tài xế đã lấy 500.000 đồng. Cũng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, cuối năm 2022 dư luận ồn ào về việc một nhóm khách đã phải trả cho người bán hàng vỉa hè 80.000 đồng một củ khoai nướng, 20.000 đồng một quả trứng…

Ở nơi này và một tuyến phố lân cận, nhiều du khách người Việt, thậm chí là người ở Hà Nội, cũng phải “ngậm đắng” khi mua những túi hoa quả trộn được tính theo lạng với giá “trên trời”.

Thực tế cho thấy, không chỉ người bán hàng rong mới hành xử kiểu “chụp giựt” mà nhiều hộ kinh doanh cố định cũng tham gia nhiệt tình vào cuộc đua “chèo kéo” khách. Dạo một vòng qua vài con phố “Tây” như Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến… vào buổi tối, không ít người giật mình vì bị nhân viên chặn giữa phố, lôi lôi, kéo kéo…

Một vụ việc khiến cộng đồng du lịch “dậy sóng”, là câu chuyện của ông K.Gie - du khách người Hà Lan. Trong chuyến du lịch ra Phú Quốc mới đây, ông mua một sản phẩm ngọc trai với giá 1.600EUR tại cửa hàng bán ngọc trai trong resort 4 sao Sài Gòn - Phú Quốc. Khi bán, cửa hàng cung cấp giấy chứng nhận kiểm định ngọc trai thật. Tuy nhiên, lúc mang về, ông kiểm định lại thì tá hỏa khi biết đó là đồ giả.

Ông Phạm Xuân Hải, Phó Tổng giám đốc Điều hành Resort Sài Gòn - Phú Quốc, xác nhận có vụ việc trên. “Trước đây, resort có hợp đồng cho 1 cá nhân thuê mặt bằng làm nơi trưng bày và bán sản phẩm ngọc trai của một thương hiệu nổi tiếng trên đảo. Khi nhận thư yêu cầu bồi thường của du khách người Hà Lan, phía resort đã làm việc với cửa hàng bán ngọc trai, yêu cầu người này trả lại tiền; đồng thời xin lỗi du khách. Sau vụ việc này, resort hủy hợp đồng với đơn vị thuê bán ngọc trai và hiện chúng tôi không còn dám nghĩ đến chuyện liên kết, hợp đồng làm ăn với các đơn vị bán ngọc trai trên đảo Phú Quốc nữa”, ông Hải cho hay.

"Ăn xổi ở thì"

Bà Thu Thủy, giám đốc một công ty du lịch lữ hành tại TPHCM, xót xa kể lại câu chuyện xảy ra cho đoàn khách ruột ở châu Phi. Những năm trước, đoàn khách này vừa đi du lịch xuyên Việt kết hợp mua hàng đem về nước kinh doanh. Tại TPHCM, khách ghé vào công ty may mặc, có lần mua “vét sạch” kho hàng; điểm ưa thích là tấp vào một tỉnh phía Bắc để mua tóc giả - ngành vốn rất thịnh hành bên nước bạn.

Sau khi làm quen ban đầu, trong những lần mua hàng sau đó, bên bán sẽ đóng kiện gửi khách đúng mẫu, số lượng, bên mua sẽ thanh toán qua kênh quốc tế. Tuy nhiên, lần này đoàn quay lại Việt Nam để trả đồ, vì bên bán gửi đồ dỏm, nhưng khi mang hàng qua sân bay lại bị đóng thuế hơn 3.000USD.

Là tổng giám đốc một doanh nghiệp du lịch lớn ở TPHCM, bên cạnh hoạt động lữ hành là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, ông T. vẫn chưa hết “sốc” về một lần đưa khách ra Phú Quốc. Năm 2022, vào lúc cao điểm, 3 đoàn khách hơn 100 người của công ty phải trả tiền phòng từ 500.000 đồng/người lên gấp đôi; chi phí đồ ăn thức uống cũng tăng 40%, vì giá “tăng đột biến”.

“Mình là công ty lớn, đối tác quen thuộc của các nhà hàng, khách sạn ở Phú Quốc nhưng vẫn bị “chém” ngọt xớt, chẳng được ưu đãi gì”, ông T. than.

Sau nhiều thập niên hưởng lợi từ nguồn khách dồi dào ở TPHCM, ngành du lịch Vũng Tàu phát triển khá mạnh. Ngành du lịch nơi này có đặc trưng “no dồn, đói góp”, khi khách dịp lễ, cuối tuần đông nghẹt nhưng ngày thường lại vắng vẻ. Vì vậy mà nơi đây tồn tại vấn nạn giá phòng ngày lễ, cuối tuần bị đẩy lên gấp 2-3 lần so với ngày thường, khiến du khách rất khó chịu.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định, hành vi “chặt chém” khách du lịch trong và ngoài nước diễn ra khá phổ biến tại các địa điểm du lịch không riêng phố cổ Hà Nội, mà còn ở các tỉnh thành đang phát triển du lịch khác.

Đây là hành động vi phạm đạo đức kinh doanh, đáng bị xã hội lên án. Hệ lụy của việc “chặt chém” là làm xấu đi hình ảnh của các điểm đến du lịch. Từ tâm lý không thoải mái, du khách ác cảm với điểm đến, rồi thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè về tình trạng này, từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch. Chỉ một hình ảnh xấu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay.

Theo nhiều chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý an ninh điểm đến. Chỉ khi nào đưa đến cho khách cảm giác an toàn, trải nghiệm trọn vẹn…, đó mới là cách quảng bá du lịch hiệu quả và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận, tình trạng “chặt chém”, nói thách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch nước ta. Có thực tế là sau dịch Covid-19, đội ngũ hướng dẫn viên nói riêng, nhân lực du lịch chất lượng cao nói chung, thiếu hụt trầm trọng. Do vậy, có những công ty lớn phải đào tạo cấp tốc, thuê hướng dẫn viên thời vụ trong mùa cao điểm nên chất lượng lao động không đồng đều.

Đà Lạt: khó chịu vì đậu xe tính theo giờ

Ông Tưởng Hữu Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, phàn nàn rằng khu trung tâm Đà Lạt thời gian qua đang thiếu nghiêm trọng chỗ đậu xe “miễn phí”, gây phiền hà cho du khách. Đi tìm chỗ đậu xe trên các tuyến phố Phan Bội Châu, Bùi Thị Xuân, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh… rất khó vì hầu hết có biển cấm đậu xe, nếu có thì một số vị trí đang thu phí đậu xe theo giờ rất cao.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức lữ hành đưa khách đến Quảng trường Lâm Viên mà mất phí gửi xe 50.000 đồng/giờ thì không dễ gì khách hài lòng. Việc phí chỗ đậu xe cao và tính theo giờ (từ 30.000 đồng/giờ trở lên) tại những vị trí trung tâm trước đây là khu vực công cộng, không khác gì hành động “chặt chém” du khách.

Tin cùng chuyên mục