Gia Lai: Khai phá “kho báu xanh” ở 2 miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai đang định vị lại tiềm năng du lịch xanh, từ biển xanh đến đại ngàn Tây Nguyên kỳ vĩ. Nổi bật trong đó là quần thể thắng cảnh Biển Hồ - núi lửa Chư Đăng Ya, “viên ngọc quý” giữa đại ngàn đang được “đánh thức” đúng vị thế, tầm vóc.

Có một “Biển Hồ” giữa đại ngàn Tây Nguyên

Biển Hồ, còn gọi là hồ T’Nưng (xã Biển Hồ, tỉnh Gia Lai), nằm ở phía Bắc cao nguyên Pleiku, là thắng cảnh ẩn giấu nhiều giai thoại, truyền thuyết kỳ bí của đại ngàn Tây Nguyên.

z6848733361402_7183e7ef535ce0123c008a6f363dc471.jpg
Vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của Biển Hồ hay hồ T’Nưng. Ảnh: NGUYỄN PHAN DŨNG NHÂN

Trong lịch sử địa chất, Biển Hồ được cho là hình thành từ các miệng núi lửa cổ thông nhau, đã tắt hàng triệu năm trước. Mỗi miệng tạo thành một vực sâu như phễu sâu không đáy. Trải qua biến thiên, các đáy miệng núi lửa đã bồi lấp, nên độ sâu mặt nước hồ còn khoảng 19-20m. Mặc dù vậy, nguồn nước Biển Hồ rất dồi dào, gần như chảy bất tận để nuôi dưỡng những vùng đất cao nguyên.

Cảnh quan nơi đây nổi bật với rừng thông ven hồ và hệ sinh thái đa dạng, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim đặc hữu Tây Nguyên như: kơ túc, kơ vông, chơ rao, trắc, le le, ngỗng trời… Trước những giá trị về cảnh quan, địa chất ở Biển Hồ, ngày 16-11-1988, Bộ VH-TT-DL đã công nhận nơi đây là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

z6848707347194_c5f1f4801585c4369d91ffc2c4bae050.jpg
Cảnh quan sống động ở Biển Hồ vào buổi sáng. Ảnh: NGUYỄN PHAN DŨNG NHÂN

Từ Biển Hồ ngược lên phía đỉnh núi Chư Nâm (cao gần 1.500m) đi qua nhiều thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có núi lửa Chư Đăng Ya (cùng thuộc xã Biển Hồ) – một tổ hợp núi lửa đã “ngủ say” hàng triệu năm trước. Nhìn từ xa, núi lửa Chư Đăng Ya như chiếc phễu lớn, được bao bọc bởi những mảnh ruộng xanh ngát của cư dân miền núi.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, quần thể thắng cảnh Biển Hồ - Chư Đăng Ya nằm trên tuyến du lịch chính vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối với các điểm đến của cao nguyên Kon Tum. Cả quần thể rộng gần 5.200ha, bao trọn trong phường Thống Nhất và xã Biển Hồ (Gia Lai). Với cảnh quan đặc sắc, quỹ đất lớn và vị trí trung tâm kết nối miền biển - cao nguyên Gia Lai, Biển Hồ được kỳ vọng là "hòn ngọc xanh" trong bản đồ du lịch toàn vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ.

z6848707347193_cef6a170ad6bb82839711e6d5321a64d.jpg
Núi Chư Đăng Ya - với tổ hợp nhiều miệng núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước. Ảnh: NGUYỄN PHAN DŨNG NHÂN

Định vị lại để khai thác bền vững hơn

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đã có cuộc khảo sát, chủ trì cuộc họp với các sở, ngành tỉnh này để bàn giải pháp khai thác tối đa tiềm năng khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya. Tại đây, các bên đánh giá cao giá trị cảnh quan và sức hút đặc biệt của khu vực, đồng thời nêu rõ một số định hướng phát triển.

Cuộc họp cũng chỉ ra khó khăn về hạ tầng, điều kiện tự nhiên và dự lường một số rủi ro, tác động đến sinh thái, tự nhiên cùng nguồn nước Biển Hồ nếu phát triển và tác động quá mức.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya là tài nguyên du lịch quý hiếm, mang tầm quốc gia. Vì vậy, công tác quy hoạch cần được thực hiện bài bản, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, xác định rõ không gian, tuyến du lịch tiềm năng và những khu vực cần bảo vệ.

z6848721506211_38a08bd2765afbb6d00ab08ffa25192f.jpg
Du khách đi dưới hàng thông ven khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya. Ảnh: NGUYỄN PHAN DŨNG NHÂN

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các bên cần thúc đẩy nhanh việc lập quy hoạch, định vị lại tiềm năng, định hướng phát triển khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya. Trong lập quy hoạch cần bám sát thực tế, có tầm nhìn dài hạn, khai thác bền vững các giá trị cảnh quan, đặc biệt chú trọng tính hài hòa, ổn định của các tổ hợp núi lửa tại đây.

Trong lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu cần chọn đơn vị có uy tín, thương hiệu để bản quy hoạch được lập lên định hình được toàn bộ tương lai của thắng cảnh Biển Hồ - Chư Đăng Ya mang tầm vóc Quốc gia…

z6848733406117_dfd31b164bfe049410662b975d97ea64.jpg
Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ nhìn từ miệng núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: NGUYỄN PHAN DŨNG NHÂN

Dự kiến, quy hoạch khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya sẽ hình thành 5 phân khu chính, gồm: Khu du lịch Biển Hồ - Du lịch văn hóa tâm linh; phân khu đô thị dịch vụ du lịch Chư Đăng Ya; khu du lịch chè Biển Hồ; khu đô thị cửa ngõ Bắc thành phố và phân khu đô thị sinh thái Biển Hồ A. Chi phí lập quy hoạch ước tính khoảng 5,2 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục