Ngành mía đường kêu cứu

Ngành mía đường đang lao đao. Tồn kho cao khi đường chế biến trong nước đủ nhu cầu, nhưng do không ngăn được đường nhập lậu, lên đến 1/3 sản lượng chế biến nên giá đường giảm… Những điều này tác động trực tiếp đến việc mua mía và chế biến đường vụ 2013 - 2014.

Ngành mía đường đang lao đao. Tồn kho cao khi đường chế biến trong nước đủ nhu cầu, nhưng do không ngăn được đường nhập lậu, lên đến 1/3 sản lượng chế biến nên giá đường giảm… Những điều này tác động trực tiếp đến việc mua mía và chế biến đường vụ 2013 - 2014.

        Giá thấp - nông dân bỏ mía

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với diện tích, sản lượng mía trên đồng ruộng và khả năng chế biến, niên vụ 2013 - 2014, 41 nhà máy chế biến khoảng 1,6 triệu tấn đường, trong đó có 1,08 triệu tấn đường luyện RE cung cấp cho ngành chế biến thực phẩm. Nếu cộng với tồn kho đầu vụ trên 370.000 tấn, đường nhập khẩu theo hạn ngạch trên 70.000 tấn, tất cả lên trên 2 triệu tấn, nhu cầu trong nước vào khoảng 1,4 - 1,5 triệu tấn, thì cung đã vượt cầu. Tuy nhiên, nạn đường nhập lậu hiện nay lên đến 300.000 - 400.000 tấn/năm làm cho tình trạng cung vượt cầu trở nên nặng nề hơn. Niên vụ 2012 - 2013, lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp (DN) luôn ở mức cao, trong đó riêng tháng 5-2013 lên đến 580.000 tấn. Đến ngày 20-9, đường tồn kho của các DN là 208.500 tấn, cao nhất từ nhiều năm nay khi vào vụ mới.

Điểm khác biệt hiện nay là lượng tồn kho đường luyện RE chiếm phần lớn. Do tồn kho cao, tiêu thụ chậm, giá giảm, chỉ còn 14.500 đồng - 15.000 đồng/kg. Điều này tác động đến giá đường RS niên vụ mới 2013 - 2014. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với giá đường hiện nay, DN phải mua với giá từ 830.000 đến 850.000 đồng/tấn mía thì nông dân có lời chút ít để tiếp tục trồng vụ mới. Với giá này, sau khi chế biến, bán ra thị trường phải ở mức 15.000 đồng/kg, nhưng giá đường RE đang có xu hướng giảm tiếp. Tình trạng hiện nay, nói như Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường La Ngà Lê Xuân Quang, muốn giữ vùng nguyên liệu phải mua giá cao để nông dân còn tiếp tục trồng mía, nhưng với giá cao đó thì ngành mía sẽ lỗ nặng.

        Tạm xuất khẩu tiểu ngạch?

Ông Đỗ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa cho rằng, không phải vì ngành đường sản xuất nhiều rồi kêu cứu, nhưng vì có 2 nguồn đường vào Việt Nam làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa là đường nhập lậu và đường tạm nhập tái xuất, nhưng không thể quản lý. Đường lậu chỉ có 12.700 - 12.800 đồng/kg, với giá này, giá mua mía của bà con phải ở mức 600.000 - 700.000 đồng/tấn, đời sống bà con sẽ như thế nào? Chắc chắn, vụ sau sẽ có một lượng lớn diện tích mía chuyển qua cây trồng khác. Không có mía, nhà máy sẽ đóng cửa, có thể dẫn đến sự sụp đổ cả ngành mía đường với mấy triệu người sống nhờ cây mía. Khi tồn kho lớn, những nước xuất khẩu đường với số lượng lớn cũng có chính sách bán tháo để chuẩn bị vụ mới. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của chúng ta.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KPC Việt Nam, ông Subbaiah, với nạn đường nhập lậu tràn lan hiện nay, nhà nước nên giảm thuế VAT từ 5% xuống 0% để giúp DN cạnh tranh. Chấm dứt tình trạng tạm nhập, tái xuất để ngăn ngừa tình trạng bán ngay trong nước để trốn thuế. Việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch nên công khai, rõ ràng.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục