Ngành nhựa lo sợ hàng nhái

Ngành nhựa lo sợ hàng nhái

Ngành nhựa trong nước đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong ngành cũng xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi. Nếu tình trạng này không được xử lý quyết liệt, triệt để, ngành nhựa sẽ đối mặt với nguy cơ thua thiệt, bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập.

“Đủ chiêu” xâm phạm

Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa từ năm 2011 đến nay liên tục tăng trưởng mạnh. Trong giai đoạn 2010 - 2015, nhựa là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam từ 16% - 18%/năm. Trong đó, có những mặt hàng nhựa có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Với mức tăng trưởng như vậy, nhựa được đánh giá là một trong những ngành năng động, mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo VPA, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn khi DN nhựa từ nước ngoài mở rộng đầu tư lĩnh vực này vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề về cạnh tranh quốc tế trong tiến trình hội nhập, các DN nhựa trong nước còn đối mặt với tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh từ chính các DN nội địa. Theo VPA, trong số 300 DN đang sản xuất mặt hàng nhựa tiêu dùng, rất ít DN có quy mô sản xuất lớn, đầu tư chuyên sâu, có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Điều đáng nói là các sản phẩm của không ít DN trong số này liên tục bị xâm hại về bản quyền sở hữu, thiết kế cho đến nhãn hiệu. Tình trạng này đang gây thiệt hại trong sản xuất kinh doanh, thương hiệu và làm yếu đi khả năng cạnh tranh của các DN trong nước trước bối cảnh hội nhập, xâm nhập thị trường mạnh mẽ của các DN nhựa nước ngoài, dẫn đến nguy cơ DN ngành nhựa bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập.

Sản xuất xuồng nhựa tại Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Đơn cử, mới đây nhất, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định xử phạt Công ty cổ phần Cửa Châu Âu về việc không chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp. Cụ thể, việc sử dụng dấu hiệu “Euwindow, hình” trên biển hiệu, website, bảng báo giá và trên các phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo của Công ty cổ phần Cửa Châu Âu có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Euwindow, hình” là một trong những nhãn hiệu đã được Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu, với thương hiệu chính là Eurowindow, đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ngoài việc xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Euwindow, hình”, Công ty cổ phần Cửa Châu Âu còn sử dụng tên thương mại gần giống với tên thương mại của Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu, thậm chí không đi đăng ký nhãn hiệu nhưng vẫn sử dụng dấu hiệu “®” trên nhãn hiệu “Euwindow”. Trước đây, thương hiệu Bình Minh của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cũng bị Công ty TNHH TM-DV-SX Nhựa ống Bình Minh sử dụng. Dù Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã gửi đơn khiếu nại. Điều đáng nói là cho đến nay vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau từ chính các cơ quan quản lý. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho rằng, Công ty Nhựa ống Bình Minh đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về đặt tên thương mại. Sở Kế hoạch và Đầu tư lại giữ quan điểm, phía Công ty Nhựa ống Bình Minh không vi phạm gì trong việc đặt tên nêu trên, không phải sửa tên!

Nhiều hạn chế

Luật gia Nguyễn Văn Bình, Hội Luật gia TPHCM, cho rằng thương hiệu của bất cứ DN nào cũng được hiểu và biết một cách ngắn gọn, được in lớn trên sản phẩm như: Nhà Bè, Việt Tiến, Sony, Samsung… Và không thể có một thương hiệu hợp pháp cùng ngành trùng tên những thương hiệu đó, cho dù có thêm chữ phần đầu hay phần sau của thương hiệu hoặc khác loại hình như: Cơ sở sản xuất, TNHH, cổ phần, TNHH một thành viên… Ở trường hợp mà Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh bị xâm hại, hai công ty cùng ngành hàng, cùng tên riêng, cùng tên thương hiệu trên sản phẩm và trên thị trường - Bình Minh. Khi người tiêu dùng mua ống nhựa và phụ kiện ngành cấp thoát nước, họ cũng chỉ biết ngắn gọn là ống Minh Hùng, ống Tân Tiến, ống Đệ Nhất… Các loại ống này khác nhau về giá trị, chất lượng, giá bán… Nếu bây giờ lại có thêm một loại ống Bình Minh nữa thì không thể phân biệt.

Trên thực tế, hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở ngành nhựa nói riêng và các lĩnh vực sản xuất khác nói chung không chỉ có ảnh hưởng xấu đối với uy tín của thương hiệu bị xâm phạm mà còn gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của khách hàng, làm cho khách hàng sử dụng sản phẩm kém chất lượng mà không hề hay biết. Các sản phẩm đặt tên giống hoặc nhái đều nhằm mục đích “ăn theo” sự nổi tiếng của thương hiệu khác. Việc thương hiệu này bị trùng tên, bị nhầm lẫn sẽ gây cho các thương hiệu khác nỗi lo sợ cũng có thể bị tình trạng như vậy nếu nổi tiếng. Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu nhìn nhận, hiện nay cùng với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thì hàng vi phạm sở hữu trí tuệ len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, gây nên nhiều vấn đề bức xúc, hết sức nghiêm trọng. Đáng chú ý, một số DN, chủ thể bị xâm phạm, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng. Ý thức cộng đồng về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các văn bản pháp luật về lĩnh vực này còn nhiều chồng chéo khiến việc xử lý còn chậm, bất nhất.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục