Ngành tôn thép kêu cứu

Sau phôi và thép dài bị hàng nhập khẩu lấn át buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc áp dụng biện pháp tự vệ để “giải vây”, gần đây, ngành tôn thép cũng kêu cứu trước nguy cơ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào nội địa.
Ngành tôn thép kêu cứu

Sau phôi và thép dài bị hàng nhập khẩu lấn át buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc áp dụng biện pháp tự vệ để “giải vây”, gần đây, ngành tôn thép cũng kêu cứu trước nguy cơ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào nội địa.

Đủ chiêu gian lận

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015, Việt Nam đã nhập đến 19,83 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, trong đó 9,6 triệu tấn thành phẩm nhập từ Trung Quốc, riêng tôn mạ từ Trung Quốc chiếm 90%. Hiện tôn thép Trung Quốc đã chiếm hơn 40% thị phần trong nước. Ngoài sản lượng nhập khẩu tăng nhanh và dần chiếm lĩnh thị trường, điều khiến các doanh nghiệp (DN) nội địa lo ngại nữa là tôn thép kém chất lượng, giá rẻ tràn lan trên thị trường làm cho môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh. Những DN sản xuất kinh doanh tôn thép làm ăn chân chính mất thị phần tiêu thụ, giảm sản lượng, triệt tiêu động lực kinh doanh, thậm chí phá sản. Thuế bị thất thu bởi những chiêu trò gian lận thương mại. Trên thực tế, tổng sản lượng tiêu thụ tôn thép nội địa năm 2015 khoảng 2,6 triệu tấn, giảm khoảng 20% - tương đương khoảng 520 ngàn tấn so với năm trước, DN sản xuất trong nước bị tổn thất hơn 9,3 ngàn tỷ đồng, nếu áp dụng mức giá bình quân 18 triệu đồng/tấn.

Tôn thép sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu. Ảnh: THÀNH TRÍ

“Đáng chú ý, tôn thép Trung Quốc có giá rẻ vì đa phần chất lượng kém, nhiều sản phẩm có biểu hiện gian lận thương mại. Đơn cử, tôn màu chất lượng tốt sẽ có nhiều lớp mạ, nhưng các sản phẩm của Trung Quốc đều bị giảm lớp mạ để giảm giá thành, ảnh hưởng rất lớn tới tuổi thọ của tấm tôn. Thông thường, tôn chất lượng bảo hành 10 năm, nhưng tôn kém chất lượng chỉ dùng 5 -7 năm sẽ bị hoen gỉ, bong tróc, phai màu, phải sửa chữa, thay thế”, bà Phạm Thị Thu, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Sơn Tùng trên quốc lộ 1A (quận Bình Tân), dẫn chứng. Ngoài ra, tôn thép Trung Quốc cũng thường “ăn gian” độ dày để móc túi người tiêu dùng. Khách hàng mua tấm tôn có độ dày thực tế là 0,28mm nhưng thông tin ghi trên tấm tôn là 0,35mm. Nhờ lập lờ về độ dày này, người tiêu dùng đã bị móc túi một khoản chênh lệch lớn. Chưa kể, cùng độ dài cuộn tôn, thay vì cán đúng độ dày ghi trên nhãn, thép Trung Quốc lại cán mỏng hơn, làm cho tôn thành phẩm nhiều hơn, thu lợi bất chính lần hai.

Vừa “phòng” vừa “tiến”

Ở lĩnh vực tôn thép, lâu nay người tiêu dùng vẫn có tâm lý chọn loại rẻ hơn khiến hàng nội càng khó tiêu thụ. Chính vì thế, các DN cần có phương án, chương trình tập huấn, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn về các sản phẩm tôn thép trong nước. Ngoài ra, DN cần nâng cấp thiết bị, công nghệ để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để phát hiện và triệt tiêu các hiện tượng tiêu cực. Về phía Nhà nước, cần có chế tài mạnh, kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gian dối, kiếm lời bất chính. Về lâu dài, cần ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thép, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu. Thông qua bức tường bao kỹ thuật, hàng rào kỹ thuật bằng chất lượng, quy chuẩn và thuế quan để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng, nhập nhèm về nguồn gốc tràn vào. Đồng thời, các DN và cơ quan quản lý nhà nước phải cùng ý thức bảo vệ thị trường nội, giữ vững và phát triển chiếm lĩnh thị trường nội, tạo bàn đạp tiến vào thị trường quốc tế.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa đánh giá, khi hội nhập ngày càng mở rộng, hàng nhập khẩu sẽ ngày càng nhiều. Do vậy, nếu DN không tìm được hướng đi phù hợp, tình trạng ngừng hoạt động hay hàng tồn kho chất đống sẽ ngày một nghiêm trọng hơn. Sản xuất tôn thép là một trong những phân ngành có tính cạnh tranh cao nhất trong ngành thép nói chung của Việt Nam, khả năng xuất khẩu của ngành tôn rất khá. Đặc biệt, khi tiến vào sân chơi TPP sẽ giúp ngành tôn nước ta tiếp cận được các thị trường triển vọng, khó tính như Hoa Kỳ, Canada. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần nhiều yếu tố và quan trọng nhất là mỗi DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu với mức giá thành hợp lý, nâng cao sự hiểu biết về thị trường. Có như vậy, ngành tôn thép mới có thể vừa cạnh tranh hiệu quả với tôn thép nhập khẩu giá rẻ, kém chất lượng ở thị trường nội địa và đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong khi các DN nội đang phải đối mặt với tôn thép gian lận nhập khẩu ồ ạt vào nội địa, trên thị trường xuất khẩu cũng vấp phải nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe. Đơn cử, từ tháng 7-2014, Indonesia áp thuế tự vệ thương mại đối với mặt hàng tôn lạnh nhập khẩu, trong đó có Việt Nam, trong 3 năm và có thể tiếp tục được gia hạn. Dẫn chứng từ Tập đoàn Hoa Sen cho thấy, năm 2014 số thuế bị áp là 430USD/tấn, tương đương gần 50% giá xuất khẩu của DN, năm 2015 là 371USD/tấn, khoảng 46% giá xuất khẩu và năm 2016 là 312USD/tấn, khoảng 41% giá xuất khẩu. “Mức giá này đang làm triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh sản phẩm tôn lạnh của Việt Nam nói chung và Tập đoàn Hoa Sen tại thị trường này”, đại diện Phòng Kinh doanh Tôn Hoa Sen cho biết.

 LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục