Ngành xe máy èo uột - Nhà phân phối vẫn… làm giá!

Ngành xe máy èo uột - Nhà phân phối vẫn… làm giá!

Theo ước tính của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), ngành sản xuất xe máy năm 2014 sụt giảm doanh số từ 10% - 15% so với năm trước. Thế nhưng, một bất hợp lý là người tiêu dùng muốn mua xe, tìm “đỏ” mắt tại chính các hệ thống đại lý cho đến cửa hàng trên thị trường vẫn không thể mua được xe máy đúng giá niêm yết. Việc bán hàng không đúng giá niêm yết là sai quy định pháp luật. Phải chăng các hãng xe đang “làm giá” hay không quản nổi hệ thống của mình - bỏ rơi người tiêu dùng?!

Bán quá giá, xuất hóa đơn sai!

Ghé vào đại lý Hoàng Việt (đường Lê Đại Hành, quận 11) ủy quyền của Honda, chúng tôi đang cần mua xe tay ga kiểu dáng cho nữ đi, nhân viên liền tư vấn chiếc Vision mẫu 2014 đang được ưa chuộng, bán rất chạy, kiểu dáng nhỏ gọn, giá 33 triệu đồng chưa ra giấy tờ (màu đỏ, xanh, trắng), còn màu không chuộng thì bớt 200.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc sao giá bán do hãng niêm yết chỉ 29,9 triệu mà đại lý bán cao hơn đến 3 triệu đồng, thì nhân viên điềm tĩnh nói: “Cứ thử đi dò giá đi, các cửa hàng khác đều bán với giá này, mức chênh lệch chỉ vài trăm ngàn đồng chứ làm gì có giá chính hãng. Chúng tôi bán vậy là đúng giá thị trường rồi!”.

Anh Nguyễn Hòa Hiệp ghé vào cửa hàng Liên Hiệp Thành (đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5) ủy quyền Honda để hỏi mua dòng xe Lead yên vàng (dòng phiên bản cao cấp) thì nhân viên báo giá 44 triệu đồng - trong khi giá niêm yết trên mạng là 38,5 triệu đồng đối với phiên bản cao cấp và 37,5 triệu đồng với phiên bản tiêu chuẩn. Anh Hiệp thắc mắc sao giá niêm yết trên mạng đều thấp hơn so với giá các đại lý bán ra nhiều đến vậy? - “Đó là giá chung trên thị trường”, anh nhân viên trả lời. Có nghĩa là, giá trên thị trường và giá do nhà sản xuất công bố tới người tiêu dùng là khác nhau, lẽ nào nhà sản xuất không biết?

Khách hàng phải chịu thiệt, mua giá cao thì mới lấy được xe ngay.

Chủ một cửa hàng xe gắn máy không ngần ngại chia sẻ, do trong năm nay dòng xe tay ga chỉ có Vision, Lead, SHmore ra kiểu dáng, mẫu mã mới, bắt mắt hơn, khiến người mua tăng vọt, do đó, giá tăng lên. Còn các dòng xe khác, nhất là các loại xe số, thì giá thị trường chỉ bằng giá công bố của hãng, thậm chí nhiều đại lý còn khuyến mãi giảm 500.000 đồng. Dòng AirBlade một thời được ưa chuộng giá cao chênh lệch từ 3 - 5 triệu đồng, nay không còn “thịnh” nên giảm 1 triệu đồng so với giá niêm yết của hãng Honda.

Tương tự, do hãng Yamaha không công bố giá niêm yết trên trang mạng nên các dòng xe của hãng này mỗi nơi “kêu giá” mỗi khác! Và tùy theo thị trường khu vực, dòng xe nào được ưa chuộng hay bán chạy nhất, các cửa hàng sẽ làm giá khác nhau. Ví dụ tại một cửa hàng Yamaha (đường Âu Cơ, quận Tân Phú) thì giá Sirius 2014 là 23,8 triệu đồng; Exciter 2014 là 43 triệu đồng… Nhưng ra đến khu Phú Nhuận, giá xe Sirius 2014 được chào bán chỉ 23,3 triệu đồng, nhưng xe côn tay Exciter 2014 giá 43,5 triệu đồng…

Mua giá cao, lúc nào cũng có!

Tại một cửa hàng trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, chúng tôi hỏi mua chiếc xe Vision, chị nhân viên nói hàng đó hiếm chưa kịp về, nhưng sau một hồi trao đổi thì chị nói thẳng nếu mua cao hơn giá hãng 3 triệu đồng thì… có ngay! Tương tự, chúng tôi ghé Head Honda ở quận 6 hỏi mua chiếc xe Lead màu vàng theo đúng giá niêm yết của hãng thì nhân viên ở đây nói chưa có hàng, nếu muốn mua đúng giá thì phải chờ… vài tháng, nhưng vài tháng là bao lâu thì không biết, vì hàng hiếm lắm!

Cuối cùng chúng tôi đành mua xe với giá cao hơn giá niêm yết của hãng hơn 3 triệu đồng thì có hàng ngay. Tuy nhiên, khi xuất hóa đơn bán hàng, nhân viên chỉ xuất bằng với giá niêm yết! Tức nếu có sự cố cần hủy hóa đơn, hay mất xe dùng hóa đơn làm căn cứ bồi thường thì coi như khách mất khoản tiền chênh lệch hơn 3 triệu đồng đó. Chúng tôi không đồng ý thì cô nhân viên giải thích rằng, do hãng quy định giá bán như thế nên phải xuất đúng giá. Hơn nữa, một số dòng xe bán không chạy, cửa hàng tự giảm giá bán, nhưng phải xuất hóa đơn đúng giá, vì cơ quan thuế căn cứ vào khung giá cố định đó để tính thuế.

Tuy nhiên, theo giải thích của nhân viên thuế, cửa hàng xuất hóa đơn không đúng giá bán là sai quy định pháp luật. Còn việc cửa hàng bán giá thấp hơn giá niêm yết là do họ muốn bán được hàng, quay đồng vốn nhanh nên cắt lãi - giảm giá, sẵn sàng hưởng lãi ít để bán được hàng. Dù việc bán giá thấp, xuất hóa đơn thấp hơn giá niêm yết thì cũng không ảnh hưởng gì, vì cơ quan thuế sẽ căn cứ vào khung giá niêm yết chính thức để tính thuế.

Việc bán hàng không đúng giá, không chỉ vi phạm pháp luật, mà điều đó khiến cho thị trường xe máy lâu nay trở nên bát nháo, mất niềm tin của người tiêu dùng. Các hãng xe muốn phát triển bền vững, nhất là trong thời kỳ mở cửa hiện nay, buộc phải kiểm soát hệ thống phân phối của mình, bảo vệ người tiêu dùng và lấy lại uy tín trên thương trường.

THANH HẢI - THẢO NHI

Tin cùng chuyên mục