Hiện nay, nguồn cung dư thừa và xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt đang khiến ngành xi măng trong nước gặp nhiều khó khăn.
Sức ép cạnh tranh
Việt Nam đang nằm trong tốp đầu Đông Nam Á về ngành sản xuất xi măng với 58 nhà máy, tổng công suất trên 80 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ trong năm 2016 dự kiến chỉ đạt khoảng 75-76 triệu tấn, đồng nghĩa với việc cung vẫn vượt cầu. Chưa kể, điều đáng lo ngại là hiện nay khả năng xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, từ năm 2015, xuất khẩu đã giảm gần 20%, đạt 16,25 triệu tấn và năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng, do vậy sức ép cạnh tranh về giá thành xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước, hiện cao hơn vài USD/tấn so với xi măng Trung Quốc. Lượng dư này gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam. Con số khổng lồ này không chỉ gia tăng sức ép cạnh tranh đối với nước láng giềng gần nhất là Việt Nam, mà còn khiến Trung Quốc trở thành đối thủ mạnh nhất với các nước xuất khẩu xi măng khác.
Công ty TNHH Holcim Việt Nam đã sáp nhập với Công ty TNHH Lafarge Việt Nam (Ảnh: CAO THĂNG)
Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, có thời điểm giá xuất khẩu của xi măng Trung Quốc thấp hơn trong nước khoảng 10 USD/tấn clinker, dẫn đến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. “Dự kiến năm 2016 mức tăng của Vicem đạt khoảng 4%, mức dư cung khoảng 25 triệu tấn và sẽ không dễ tiêu thụ thông qua con đường xuất khẩu. Như vậy, nếu không xuất khẩu được, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phải giãn, hoãn, thậm chí dừng sản xuất”, đại diện Vicem chia sẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước hiện chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn và dự báo về biến động thị trường còn yếu, chưa nhạy bén khiến công tác định hướng xuất khẩu sản phẩm xi măng càng gặp khó khăn.
Không chỉ cạnh tranh với Trung Quốc, ngành xi măng nội địa còn phải đối mặt nhiều khó khăn trong cạnh tranh với Thái Lan khi xuất khẩu. Thái Lan hiện có khoảng 11 nhà máy xi măng với công suất 46,7 triệu tấn/năm, thấp hơn Việt Nam hàng chục tấn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nội địa của nước này chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng, số còn lại hơn 34 triệu tấn dành phục vụ xuất khẩu mỗi năm. Một trong những lợi thế của Thái Lan trong cạnh tranh xuất khẩu chính là chất lượng và vận chuyển nhanh. Mặt khác, tâm lý khách mua cũng luôn ưu tiên chọn các bạn hàng đã có quan hệ truyền thống lâu đời như Thái Lan khiến doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn gấp bội. Đáng chú ý, trong khi nhu cầu tiêu dùng xi măng từ các thị trường nhập khẩu chưa có dấu hiệu tăng, nhưng nguồn cung xi măng của các quốc gia cạnh tranh lớn như Thái Lan lại vẫn tiếp tục gia tăng. Từ đó, càng đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng non trẻ như Việt Nam vào thế bất lợi. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bangladesh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường nhập khẩu xi măng clinker lớn thứ ba trong khu vực Nam Á. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam sang Bangladesh năm 2015 đã giảm trên 30% so với năm 2014.
Điều chỉnh sản xuất hợp lý
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay có nhiều tập đoàn trong ngành xi măng lớn của nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam để cạnh tranh thị phần. Cụ thể, đầu tháng 10-2015, Holcim Việt Nam đã chính thức công bố việc sáp nhập giữa Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Holcim (Thụy Sĩ) và Công ty TNHH Lafarge Việt Nam, thuộc Tập đoàn Lafarge (Pháp). Sau sáp nhập, sản lượng của LafargeHolcim tại Việt Nam được nâng lên hơn 6 triệu tấn/năm. Việc sáp nhập này sẽ giúp LafargeHolcim tối ưu hóa sản xuất trong bối cảnh ngành xi măng Việt Nam đang trong tình trạng cung vượt cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xi măng có giá thành rẻ hơn, thi công nhanh hơn và đảm bảo chất lượng công trình bền vững hơn. Cụ thể, sau sáp nhập, công ty sẽ có tổng cộng 5 nhà máy, trạm nghiền xi măng, 8 trạm trộn bê tông với công suất 5,2 triệu tấn xi măng và 1 triệu m3 bê tông/năm. Trước khi Lafarge và Holcim sáp nhập, Semen Glesik - Tập đoàn xi măng lớn nhất của Indonesia đã mua lại xi măng Thăng Long (công suất 2,5 triệu tấn/năm) với giá 230 triệu USD. Dự kiến trong tương lai gần, xi măng Thăng Long sẽ nâng công suất lên 6,3 triệu tấn/năm, tăng 274% so với công suất hiện nay... Theo các tập đoàn sản xuất xi măng, lý do để họ mua lại hay sáp nhập là do nguồn cung nguyên vật liệu ở Việt Nam khá dồi dào. Vì thế, thay vì xuất khẩu xi măng vào Việt Nam thì việc chiếm thị phần thị trường Việt Nam sẽ tốn ít chi phí và mang lại hiệu quả hơn. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp xi măng trong nước cũng đã lên kế hoạch đầu tư cho công nghệ và những dự án mới.
Với thực trạng trên, trong thời gian tới áp lực dư nguồn cung tiếp tục tăng lên, nếu xuất khẩu không được cải thiện, thị trường xi măng càng thêm rối rắm. Trước tình hình này, Bộ Xây dựng khuyến cáo, nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình sử dụng các sản phẩm xi măng như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành xi măng. Ngoài ra, các doanh nghiệp xi măng nên chủ động tìm thêm thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng. Riêng Hiệp hội Xi măng và Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh hoàn thiện mạng lưới kinh doanh xi măng, nhằm giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng, giúp các doanh nghiệp xi măng trong nước có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
LẠC PHONG