Hàng loạt hộ nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL vừa trải qua những ngày Tết Quý Tỵ khá trầm lắng, bởi giá cá giảm mạnh khiến người nuôi thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh khốn đốn do chế biến và xuất khẩu không hiệu quả, càng làm càng lỗ. Các nhà chuyên môn lo ngại ngành cá tra đang mất dần lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về hướng ra cho nghề cá.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, chúng ta luôn tự hào cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Song, không ít doanh nghiệp lại “độc quyền” bán giá thấp, còn người nuôi thua lỗ liên miên; đặc biệt, năm 2012 ngành cá tra lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Theo ông, vì đâu nghề cá rơi vào khó khăn?
* Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: Năm 2012, bối cảnh chung của kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính, nhất là các nước thuộc khối EU; từ đó tác động xấu đến xuất khẩu cá tra. Trong số 10 thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam, có tới 7 thị trường giảm nhập khẩu cá tra năm 2012 so với năm 2011; mạnh nhất là thị trường EU, Saudi Arabia, Hoa Kỳ, Ai Cập… Bên cạnh đó, nhiều nước nhập khẩu dựng lên các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại gây khó khăn cho cá tra nước ta. Tại EU vẫn còn những thông tin sai lệch về cá tra, có quan điểm tiêu cực đối với cá tra và mô hình nuôi cá tại Việt Nam, khiến sức tiêu thụ bị giảm.
Thêm vấn đề đáng lo ngại là thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chào bán cá tra với nhiều giá khác nhau khiến các nhà nhập khẩu e ngại, không biết đâu là giá trị thực của cá tra. Hiện cả nước chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra, nhưng có tới 300 công ty thương mại xuất khẩu sản phẩm cá tra. Một số doanh nghiệp không có nhà máy chế biến đã chào hàng cạnh tranh với giá thấp, bán hàng kém chất lượng… gây ảnh hưởng uy tín của cá tra Việt Nam. Mặt khác, do thiếu vốn hoạt động và áp lực thu hồi nợ của ngân hàng nên một số doanh nghiệp phải tự xoay trở bằng mọi cách; trong đó có việc bán sản phẩm chất lượng không cao và chấp nhận giá bán thấp nhất trong lịch sử của ngành.
* Theo ông, đâu là giải pháp để chấn chỉnh ngay những hạn chế trên?
* Thời gian qua chúng ta đã nói nhiều về tái cấu trúc, sắp xếp lại nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, song thực tế vẫn chưa làm mạnh. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải siết chặt việc quản lý từ vùng nuôi đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu cá tra. Cần đưa cá tra vào nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Theo đó, người nuôi cá phải trong vùng quy hoạch, có vốn, am hiểu kỹ thuật, gắn kết với nhà máy… mới được nuôi. Doanh nghiệp xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng… Về lâu dài, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các dự án phát triển vùng nguyên liệu thông qua các loại hình liên kết như nuôi gia công, hợp đồng tiêu thụ cá theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn trước… nhằm giải quyết tốt mối quan hệ cung cầu, tránh tình trạng giá cá tra nguyên liệu lên xuống thất thường như thời gian qua gây thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp.
Xuất khẩu cá tra cần áp dụng ghi trên bao bì về tiêu chuẩn chất lượng, tỷ lệ mạ băng… để người tiêu dùng và ngành chức năng kiểm soát, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
* Hiện tại giá cá tra nguyên liệu thấp dưới mức giá thành khiến người nuôi lỗ, trong khi giá xuất khẩu chưa cải thiện. VASEP có giải pháp nào hỗ trợ tích cực cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2013.
* Dự báo năm 2013 sẽ còn khó khăn đối với ngành xuất khẩu cá tra; trong đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó về thị trường và nguồn vốn. EU là thị trường lớn của cá tra Việt Nam nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều do dấu hiệu phục hồi kinh tế còn chậm. Trong khi các doanh nghiệp lo ngại về nguồn vốn đang thiếu sẽ gây khó cho hoạt động chế biến, xuất khẩu. Hiện tại, những doanh nghiệp quy mô lớn đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu chiếm khoảng 60% công suất nhà máy. Các ngân hàng cho vay nuôi cá trung bình chỉ 4 tháng, trong khi quy trình nuôi cá hiện nay mất từ 8 - 9 tháng; những tháng càng về cuối đòi hỏi vốn càng cao. Vì vậy, ngân hàng nên thay đổi quy trình cho vay dài hơn để phù hợp với thực tế.
Với điều kiện giá cá nguyên liệu còn thấp, vốn thiếu, thị trường xuất khẩu khó khăn… dự báo sản lượng cá tra năm 2013 sẽ dao động khoảng 800.000 - 900.000 tấn, giảm so với 1.285.500 tấn của năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 dừng lại ở mức hơn 1,5 tỷ USD, giảm so với 1,74 tỷ USD của năm 2012. Chúng tôi cho rằng, việc giảm sản lượng nuôi và giảm kim ngạch xuất khẩu là cần thiết nhằm tái cấu trúc ngành cá tra để phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, trả lại giá trị đích thực cho con cá tra. Nên thấy rằng, việc giảm sản lượng cá là điều kiện để nâng giá bán cao lên sẽ thu về lợi nhuận nhiều hơn. Song song đó, các doanh nghiệp cần giảm xuất khẩu cá tra phi-lê, tăng cường xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
* Xin cảm ơn ông!
|
HUỲNH PHƯỚC LỢI