Đến nay, Sở Y tế TPHCM đã huy động hơn 3.000 nhân viên y tế là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của 48 bệnh viện công lập, các BV đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn thành phố và hơn 500 sinh viên của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu xét nghiệm.
Dù không quen biết nhau nhưng các nhân viên y tế (trong bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi) luôn hỗ trợ, cùng nhau làm việc cật lực ngày đêm tại hiện trường, để lấy mẫu thử xét nghiệm với số lượng cao nhất có thể. Các y, bác sĩ thuộc khối khám, chữa bệnh đã vượt ra khỏi ranh giới BV, cùng với các y, bác sĩ thuộc khối dự phòng dấn thân vào “cuộc chiến không khoan nhượng” với Covid-19.
Rất nhiều BV đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để triển khai xét nghiệm RT-PCR trong chẩn đoán xác định Covid-19, dù ít sử dụng đến loại xét nghiệm này trong lĩnh vực chuyên khoa của mình.
Đến nay, ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và các viện, BV trực thuộc Bộ Y tế, còn có 15 BV trên địa bàn thành phố (11 BV công lập thuộc Sở Y tế và 4 BV tư nhân) đã được Bộ Y tế công nhận và cho phép thực hiện xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán xác định Covid-19, con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Lực lượng y, bác sĩ đang đảm nhiệm một khối lượng công việc “khổng lồ” chưa từng có tại các phòng xét nghiệm RT-PCR của các BV, khi hàng trăm, hàng ngàn mẫu phết mũi họng liên tục được HCDC phân bổ và gửi đến. Các bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc suốt đêm, máy xét nghiệm chạy liên tục để kịp thời trả kết quả, phục vụ công tác phòng chống dịch.
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch từ ngày 26-5 đến nay, các phòng xét nghiệm RT-PCR đã thực hiện hơn 443.081 mẫu xét nghiệm. Nhiều BV còn phân công các y, bác sĩ thường trực 24/7, đảm trách chăm sóc sức khỏe và cấp cứu cho người dân tại các khu cách ly tập trung theo từng khu vực được phân công.
Các BV đa khoa, chuyên khoa thành phố sẵn sàng tiếp nhận khám, cấp cứu người cách ly từ các khu cách ly chuyển đến theo chuyên khoa. Các BV tư nhân có đủ điều kiện tham gia khám, chữa bệnh cho người nước ngoài đang cách ly tại các khách sạn…
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, với sự xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng, các BV đang đứng trước một thách thức lớn: Sẽ trở thành nơi lây lan mầm bệnh với hậu quả khó lường, nếu thực hiện không tốt sàng lọc, cấp cứu sàng lọc; hoặc trở thành nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Huy động tổng lực cho điều trị cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế (hiện đã triển khai thực hiện kế hoạch 2.000 giường điều trị với 200 giường hồi sức cho giai đoạn hiện nay và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 5.000 giường cho tình huống xấu hơn).
Bên cạnh các BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ, BV Bệnh nhiệt đới, các BV chuyên khoa nhi, mô hình “Split hospital” (tách đôi BV) để hiện thực hóa 550 giường điều trị Covid-19 của BV Phạm Ngọc Thạch, ngoài ra sẵn sàng chuyển đổi một số BV ngoại thành trở thành BV chuyên điều trị Covid-19 (như BV huyện Củ Chi, BV huyện Bình Chánh…).
Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo TPHCM, ý thức cao nhất “vì cộng đồng” của nhân dân thành phố và sự đồng lòng của đội ngũ y tế trên mặt trận chống dịch, ngành y tế TPHCM tin tưởng một ngày không xa, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, cuộc sống người dân sẽ bình thường trở lại.