Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TPHCM).
Môi trường bị ô nhiễm chất gây nghiện
° PHÓNG VIÊN: Thưa bác sĩ, ông đã có hơn 20 năm trực tiếp làm công tác cai nghiện và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về phòng, chống ma túy, trước sự tàn phá của MTTH (hàng đá) hiện nay, ông có thể mô tả đôi chút về “cơn bão đá” này?
Trên thị trường, ngày càng nhiều loại MTTH được phát hiện và chúng tăng liên tục. Đang có một sự chuyển tiếp mạnh từ heroin sang MTTH. Chúng ta phải thừa nhận rằng mọi nỗ lực của chúng ta chỉ mới có thể làm hạn chế chứ chưa giảm được nguồn cung MTTH. Có thể nói, chúng ta đang phải sống trong một môi trường xã hội bị ô nhiễm chất gây nghiện: Các ổ nhóm, tụ điểm tiêm chích vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, người nghiện vẫn có thể tìm mua ma túy dễ dàng. Các khách sạn, phòng trọ, quán bar, vũ trường là nơi thường được nhiều bạn trẻ chọn làm “bãi đáp” chơi MTTH. Hiện nay, môi trường học đường cũng đã và đang bị ma túy xâm nhập.
° Thưa bác sĩ, nhận thức và cũng là tâm lý phổ biến trong giới trẻ sử dụng ma túy là hít heroin thì nghiện, còn chơi “đá” thì chỉ có cảm giác hưng phấn. Nhận thức này đúng không? Và, các con đường rơi vào sự lệ thuộc ma túy của giới trẻ hiện nay là gì?
° Coi MTTH không gây nghiện là nhận thức rất sai lầm. Chính vì vậy, nên một bộ phận giới trẻ không lường hết được tác hại khủng khiếp của “đá”. Đến khi nhận ra thì đã quá muộn, việc chữa trị vô cùng khó khăn.
Đa số những người bắt đầu đi vào con đường nghiện ma túy rơi vào lứa tuổi thanh thiếu niên - lứa tuổi của giai đoạn khủng hoảng trong quá trình phát triển tâm lý và hoàn thiện nhân cách. Rất nhiều lý do đẩy đưa thanh thiếu niên có thể đi vào con đường nghiện ma túy. Nhiều bạn trẻ muốn thử trải nghiệm những cảm giác kỳ lạ của chất gây nghiện (do bạn bè kể lại hoặc trên các phim ảnh, thông tin, báo chí), bất chấp những hậu quả nghiêm trọng. Một số thanh thiếu niên sử dụng các chất gây nghiện như một phương thức khẳng định mình, tự cho mình đã trưởng thành, được quyền chọn hành vi độc lập tùy thích và có thể làm chủ được chính mình. Những thanh thiếu niên có những vấn đề bất mãn với gia đình và cộng đồng, sử dụng chất gây nghiện như một phản ứng chống đối, hoặc giải tỏa phiền muộn. Cũng có thể thanh thiếu niên tìm đến MTTH như một phương thức lẩn tránh khỏi tác động của các stress.
Thường gặp nhất và nguy hại nhất là thanh thiếu niên thuộc các “nhóm tiêu cực, không thành đạt, hoặc có nhiều ưu phiền, hoặc ham muốn ăn chơi sa đọa”, sử dụng MTTH do ảnh hưởng hay áp lực của các bạn đã nghiện trong cùng nhóm. Một đặc điểm tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên là bắt chước, khó sống lẻ loi ngoài nhóm.
Tâm lý cho rằng “đập đá” thì không nghiện là một trong những trở ngại lớn cho cai nghiện MTTH. Do hội chứng cai không rõ ràng, họ không biết là mình đã lệ thuộc vào MTTH, đa số không chịu đi cai nghiện. Thậm chí, có những người từng sử dụng heroin đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy “đá” để… cai nghiện heroin! Thực tế, sử dụng MTTH gây sự tổn hại cho cơ thể, nhất là hệ thống não bộ bị tác hại hơn rất nhiều lần so với heroin. Chính vì suy nghĩ MTTH không gây hại, không gây nghiện, nên khi nhận ra đã nghiện thì não bộ bị tổn thương nặng, rất dễ bị các bệnh tâm thần như ảo thị, ảo thanh, ảo giác, hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Người nghiện có trường hợp tưởng mình là anh hùng - có thể bay nhảy như chim, có trường hợp cảm giác “thấy” người khác đuổi bắt, truy hại mình. Họ không làm chủ được bản thân!
Cha mẹ không nên giấu tình trạng nghiện của con
° Không ít gia đình khi có con rơi vào vòng xoáy ma túy thì la rầy hắt hủi con, hoặc có khi lại nuông chiều, che giấu tình trạng nghiện. Ứng xử như vậy có phù hợp với người nghiện ma túy không, thưa ông?
° Phần lớn thanh thiếu niên nghiện ma túy thuộc về các gia đình lơ là trong nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc và quản lý con em. Không ít gia đình chỉ biết con em của mình bị nghiện khi có biểu hiện tâm thần xuất hiện. Đặc biệt nguy hại là những gia đình do sĩ diện hay do nuông chiều con cái không dám thừa nhận với cộng đồng là chúng đã bị nghiện, không dám đưa con em đi điều trị ở các cơ sở cai nghiện và do đó phải chịu áp lực thường xuyên, phải cung cấp tiền để con em mua chất gây nghiện. Một số gia đình lại quá nóng giận hoặc trừng phạt không phù hợp. Các stress xuất hiện do nội bộ gia đình có nhiều xung đột cũng là nhân tố thúc đẩy con em rơi vào con đường nghiện ma túy - các cháu xem đây như là một cách để thoát khỏi bầu không khí căng thẳng, nặng nề phải chịu đựng hàng ngày.
° Vậy chúng ta có thể giúp người nghiện MTTH hồi phục bằng cách nào? Nhất là trong việc phòng bệnh, để bạn trẻ không sa vào ma túy?
° Thời gian để hồi phục có khi vài tháng đến vài năm, thậm chí nhiều năm. Phải xác định cai nghiện ma túy đòi hỏi thời gian điều trị dài, rất ít trường hợp cai nghiện ngắn ngày thành công. Mỗi người nghiện ma túy có hoàn cảnh khác nhau, tình trạng nghiện khác nhau, bản lĩnh khác nhau. Đòi hỏi gia đình cần luôn đồng hành với người nghiện ma túy. Cha mẹ la rầy không đúng cách, vô tình đẩy con xa gia đình; cũng không nên khuyên răn, kêu gọi suông kiểu “con ơi đừng chơi ma túy, con hãy thương cha mẹ đi”. Một số trường hợp cha mẹ có lối sống không chuẩn mực như say sưa, trai gái, bài bạc… Khi đó, lời dạy của cha mẹ không còn sức thuyết phục, các cháu còn phản ứng tâm lý, có tác dụng ngược, lại có cháu sử dụng ma túy như một sự bày tỏ bất mãn, chống đối lại việc làm của cha mẹ.
Muốn giúp các bạn trẻ cai nghiện, cha mẹ chỉ có tấm lòng không là không đủ, mà cần phải có trình độ, có lối sống lành mạnh như một tấm gương để trẻ tin tưởng. Chính cha mẹ, người thân của người nghiện ma túy cũng cần hiểu rõ đặc tính của nghiện để kiên trì đồng hành với con em.
Nghiện là một bệnh mãn tính. Vì thế, nghiện ma túy không thể chữa khỏi nhanh chóng được. Cắt cơn, giải độc chỉ là bước khởi đầu của quá trình cai nghiện lâu dài. Quan điểm cai một lần là hết, hầu như khó thực hiện được. Dù là bệnh khó chữa nhưng nghiện ma túy vẫn có thể chữa khỏi và yêu cầu tiên quyết là có sự quyết tâm cai nghiện của người nghiện ma túy. Đồng thời, cần có sự động viên giúp đỡ của gia đình và cộng đồng về các mặt thì điều trị có kết quả nhiều hơn. Trung tâm cai nghiện cũng giữ một vai trò rất quan trọng đối với người nghiện ma túy.
Tái nghiện hầu như là một quy luật. Nhưng tái nghiện không có nghĩa là người nghiện không học được gì sau mỗi lần cai nghiện. Quan niệm điều trị của thế giới hiện nay là “giảm tác hại” sau mỗi lần cai nghiện: thời gian người nghiện tái hiện lâu hơn, giảm tần suất sử dụng, giảm liều lượng sử dụng, nhận thức tăng lên, trang bị cho mình thêm bản lãnh và kỹ năng đối phó là có kết quả, và trước sau gì cai nghiện cũng thành công.
Để người từng cai nghiện ma túy không tái nghiện và để chính các bạn trẻ phát triển lành mạnh, không sa ngã vào ma túy, đòi hỏi các biện pháp tổng hợp - khoa học và đòi hỏi quyết tâm của nhiều phía (cá nhân người nghiện - gia đình - trung tâm cai nghiện và toàn xã hội) chứ không nên làm nửa vời, làm cho có. Cùng với biện pháp quyết ngăn chặn nguồn ma túy, cần phòng bệnh bằng chính biện pháp giáo dục. Muốn phòng, chống ma túy, cần nói rõ tác hại của ma túy để tất cả cùng biết, cùng phòng. Những nguyên nhân về mặt tổng thể xã hội như trên đã đề cập, cũng phải được cải thiện mạnh mẽ, tạo môi trường sống lành mạnh cho tất cả mọi người, nhất là giới trẻ.