Ngày đất ngập nước thế giới: Vì mục tiêu tương lai bền vững

Với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay”, Ngày Đất ngập nước thế giới (2-2) năm 2023 nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để khôi phục vùng đất ngập nước đang bị ô nhiễm hoặc suy thoái do biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển của con người.
Bán đảo Mitre, Argentina
Bán đảo Mitre, Argentina

Dấu mốc quan trọng

Các hệ sinh thái đất ngập nước ngọt và ven biển là nơi cư trú của 40% loài sinh vật. Vùng đất than bùn, một loại đất ngập nước có thực vật sinh trưởng, lưu trữ lượng carbon nhiều gấp đôi so với các khu rừng trên thế giới. Tuy nhiên, trong hơn 200 năm qua, các vùng đất ngập nước đã bị rút kiệt nước để lấy đất phục vụ nông nghiệp hoặc phát triển cơ sở hạ tầng.

Khoảng 35% diện tích đất ngập nước trên thế giới, vốn có hiệu quả trong việc làm giảm tác động của lũ lụt và làm sạch nước bị ô nhiễm, đã bị mất từ năm 1970 đến năm 2015. Tốc độ biến mất này đã tăng nhanh kể từ năm 2000. Tùy thuộc vào mức độ dâng cao của mực nước biển do khủng hoảng khí hậu gây ra, 20-90% diện tích đất ngập nước ven biển hiện nay, nơi thu giữ carbon nhanh hơn tới 55 lần so với các khu rừng mưa nhiệt đới, có thể bị mất vào cuối thế kỷ này. Các vùng đất ngập nước - điểm dừng chân quan trọng của các loài chim di cư cũng ghi nhận tình trạng mất đa dạng sinh học nhiều hơn so với các hệ sinh thái trên cạn và dưới biển khác.

Cũng vì lẽ đó, Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 30-8-2021 đã thông qua Nghị quyết 75/317 về việc lập ra Ngày Đất ngập nước thế giới vào ngày 2-2 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng thế giới về tầm quan trọng thiết yếu của vùng đất ngập nước.

Việc thông qua nghị quyết này được coi là một dấu mốc quan trọng đối với Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (gọi tắt là Công ước Ramsar), theo đó một lần nữa khẳng định rằng các vùng đất ngập nước rất quan trọng đối với con người và thiên nhiên.

Công ước Ramsar là một phần của Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên hiệp quốc (2021-2030), được gắn với Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và nhằm mục đích mở rộng quy mô phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989.

Tăng cường nỗ lực bảo vệ

Trong những tháng gần đây, chính phủ các nước đã tăng cường nỗ lực bảo vệ và khôi phục những không gian tự nhiên này - một động lực mà các chuyên gia cho rằng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học mà còn chống lại khủng hoảng khí hậu. Trung Quốc đề ra các sáng kiến bảo tồn đất ngập nước bao gồm sự phát triển của các “thành phố bọt biển”, Anh khôi phục Great North Bog - một khu vực quan trọng để lưu trữ cả carbon và nước.

Tại Argentina, vào tháng 12-2022, các nhà lập pháp ở tỉnh cực Nam Tierra del Fuego đã thông qua luật bảo vệ vĩnh viễn bán đảo Mitre và hình thành khu bảo tồn sinh quyển tại đây. Góc xa xôi này của Nam Mỹ là nơi có các rừng tảo bẹ dưới nước và là một trong những khu phức hợp đất than bùn lớn nhất ở Nam Mỹ, hai hệ sinh thái mạnh này kết hợp lại với nhau để tạo nên bể hấp thụ carbon lớn nhất của Argentina.

Theo các chuyên gia, việc thành lập khu bảo tồn mới tại bán đảo Mitre có diện tích gần bằng Công viên quốc gia Grand Canyon ở Mỹ là một bước quan trọng trong nỗ lực chống lại khủng hoảng khí hậu. Sáng kiến Đất than bùn Toàn cầu, do Chương trình phát triển của LHQ (UNEP) điều phối, đã vận động để bảo vệ các vùng đất than bùn của Nam Mỹ trong nhiều năm qua.

Thành công ở Argentina là một tin vui nhỏ đối với vùng đất than bùn, chiếm khoảng một nửa diện tích đất ngập nước có thực vật nội địa trên thế giới. Theo Đánh giá vùng đất than bùn toàn cầu do UNEP hỗ trợ, Trái đất đang mất 500.000ha đất than bùn mỗi năm, gần gấp đôi diện tích thủ đô Cairo của Ai Cập. Việc rút nước và suy thoái đất than bùn giải phóng một lượng lớn carbon dioxide và đóng góp khoảng 4% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do con người gây ra.

Tin cùng chuyên mục